“Hạ sơn” tìm về quê cha đất tổ
Sau ba năm ẩn tu, cuối cùng ông Đạo Dừa cũng quyết định “hạ sơn” tìm về quê hương hành đạo. Ông không về nhà mà ngồi tọa thiền dưới mái hiên của một tiệm bán tương bên bờ sông Tiền. Ban ngày, ông ôm bình bát, tay chống gậy đi hóa trai. Chiều về ngồi dựa mé sông với tấm thân khổ hạnh giữa chợ đời. Bà Nguyễn Thị Út cho biết: “Người qua kẻ lại, nhất là bạn bè xưa cũ thấy cảnh Cậu Hai vừa thấy xót, vừa cảm phục. Họ không ngờ từ một con người hào hoa, tướng mạo khôi ngô, giàu sang phú quý nay bỗng hóa thành một nhà tu hành. Dáng vẻ đuề huề trước kia không còn mà thay vào đó là dáng người già nua vì bao năm khổ hạnh. Ăn uống kham khổ, mỗi ngày một bữa rau trái lợt lạt, không ăn muối, đường hay bất cứ thứ gia vị nào. Cậu cũng không uống nước gì ngoại trừ nước dừa”.
> Đọc thêm: Chuyện kỳ bí về ông Đạo Dừa bỏ 'cõi tạm' lên non 'tầm đạo'
> Đọc thêm: Chuyện kỳ bí về ông Đạo Dừa từ bỏ 'cõi tạm' lên non 'tầm đạo' (2)
Hai năm sau, ông tìm về thăm lại gia đình. Họ hàng, cha mẹ, vợ con trông thấy ông đều rơi lệ. Nỗi vui mừng, xót xa hòa lẫn dâng đầy trong lòng người thân khi chứng kiến sự thay đổi ở con người ông. Tiếng cười giòn giã, giọng nói khoan thai ngày xưa đã nhường chỗ cho sự trầm mặc ngự trị trong lòng kẻ tu hành. Bà con lối xóm đến thăm chật cả nhà. Vợ ông trông thấy người bạn đời từng “đầu ấp tay gối” nay trở thành một tu sỹ không sao tránh khỏi chạnh lòng.
Trước cảnh vợ con ra đón mừng, ông ngậm ngùi, trơ mắt nhìn, lặng thinh không nói. Nhưng từ trong thâm tâm, tiếng lòng đang vang vọng “tấm thân này đã dấn thân vào con đường đạo nên đành cam số kiếp chia ly”. Ông ở lại gia đình bên vợ (huyện Gò Công, tình Tiền Giang), hằng ngày vẫn ôm bình bát đi “khất thực”, tối về mắc cái võng bên mái hiên ngủ.
Khoảng một tháng sau, ông về làng Phước Thạnh, nơi ông có nhiều kỷ niệm đẹp trong những tháng ngày lưu trú giữa cuộc đời. Làng mạc nhuốm màu tang tóc, cơn điêu linh trút xuống dân lành. Gia đình ông đã bỏ làng “chạy giặc” tận phương trời nào. “Lúc bấy giờ, tên Ba Lory làm chủ quận Bình Đại nổi tiếng ác bá. Bộ hạ dưới tay hắn cũng lắm hung tàn. Nhiều lần, chúng ra sức sát hại dân lành vô cớ. Khi hắn được Pháp thăng chức làm tỉnh trưởng, tỉnh Kiến Hòa (nay là tỉnh Bến Tre) trở thành một tỉnh lị riêng của hắn. Bà con ở đây nghe tiếng Ba Lory, ai cũng khiếp sợ”. Trước cảnh hãi hùng, khói lửa ngập trời quê hương, người dân tìm nơi tản cư. Riêng ông vẫn ở lại làng thi gan cùng “mưa bom bão đạn” quân thù. Ông ngồi hành đạo dưới gốc cây dương cằn cỗi mặc cho mưa nắng. Tới giờ “độ ngọ”, ông vào vườn kiếm trái cây sống lay lắt qua ngày”, bà Út nhớ lại.
Một số tín đồ của ông từng kể, vào một đêm mưa giông tầm tã, sấm chớp tứ giăng, ông vẫn ngồi tịnh tu giữa cơn mưa đêm trút xuống. Một cơn sấm chớp vụt qua kèm theo tiếng nổ vang trời ngay tại gốc cây dương ông đang ngồi. Người dân trong làng nghĩ, ông đã bị sét đánh chết. Sáng sớm hôm sau, một số ông lão đến thăm. Họ mừng vì ông vẫn bình an.
Hình ảnh ông Đạo Dừa thời hưng thịnh.
Bà Út tiếp câu chuyện: “Chiến tranh, chết chóc nhiều quá để lại ám ảnh trong lòng người. Bà con trong làng thường đồn đại rằng, gốc cây dương Cậu Hai ngồi tu có nhiều ma quỷ. Một số người nói, trận mưa sét đánh đó là do “ân trên” giáng xuống để quét sạch bọn ma quỷ, làm cho đất đai sạch sẽ để cậu chuyên tâm tu niệm không bị quấy nhiễu. Tuy nhiên, đó chỉ là lời đồn của bà con thời đó”.
Tình hình dần lắng dịu, những người trong gia đình ông lần lượt quay về làng đoàn tụ. Người em ruột của ông, Nguyễn Thanh Nhàn đang theo học ở Mỹ Tho thường xuyên lui tới giúp đỡ. Ít lâu sau, em ông cũng bỏ học về tu cùng. Hai anh em ông ra sức phát hoang cây cỏ trên mảnh đất của gia đình và chuẩn bị tư thế gây dựng đạo.
14 năm “cấm khẩu”
Ngày 18/01/1952 (năm Nhâm Thìn), ông Đạo Dừa thiết kế và dựng một đài Bát quái bằng cây dừa cao 14m ở giữa một cái mương, lấy những sợi dây bằng sắt kiềng xung quanh đề phòng giông bão không làm đổ. Hằng đêm, ông ngồi tọa thiền trên đài cao cứ thế trong suốt 2 năm. Lần lượt, những người cháu của ông đang học ở Sài Gòn, em gái ông cũng tìm về “thánh địa” ông gây dựng để theo học đạo.
Tiếng tăm ông Đạo Dừa bắt đầu vang xa. Khách thập phương khắp xa gần đổ xô tìm đến để tận mắt chứng kiến “ông đạo”. Dưới sông Ba Lai, ghe xuồng ra vào tấp nập. Trên bờ, xe hơi từ các tỉnh đua nhau đậu chật kín trước khu vực dẫn vào chùa Nam Quốc Tự (do ông lập). Trong số người đến viếng, có người sùng bá ông nhưng cũng có người tìm đến để thỏa tính hiếu kỳ.
Người dân thời đó rất tin vào lời nói của ông Đạo Dừa. Lúc đó, chính quyền tỉnh Kiến Hòa ngày đó cử người xuống ngăn chặn không cho khách đến viếng. Tuy nhiên, họ không tài nào ngăn nổi. Trong mắt các tín đồ, ông là “đức thánh sống”. Bà Út cho biết: “Họ cho rằng, những năm khổ hạnh tại vùng Bảy Núi, ông đã tìm thấy sự huyền diệu và đoán biết “chuyện thiên cơ”. Lời ông phán nhủ, người ta nghe và làm theo. Cậu Hai thường viết giấy khuyên nhủ người dân nên trường chay, làm lành, tránh dữ. Thời đó, hàng ngàn người “mộ đạo” kéo nhau đến, họ rất tôn sùng Cậu Hai”.
Theo một số tài liệu nghiên cứu cho thấy, ông Đạo Dừa ngày trước không lập giáo hội, không ra thuyết pháp, không giảng kinh và không thâu nhận đệ tử. “Thời hưng thịnh của Cậu Hai, các tín đồ của ông thường tập trung ở sân rồng trước chùa Nam Quốc Tự nghe thuyết pháp. Đó là người khác chứ không phải Cậu Hai. Lâu lâu, họ đến nói chuyện tu hành cho dân chúng nghe rồi về. Cậu Hai cũng không thâu đệ tử. Những người đầu vấn khăn, mặc áo nâu vì quá tôn sùng, tự nguyện học theo gương của Cậu và tự nhận là đệ tử. Thực chất, họ cũng chỉ là tín đồ như tôi vậy thôi”, bà Út chia sẻ.
Ẩn số chuyện “mở kim khẩu nói chuyện thiên cơ”
Tín đồ kéo đến rồi tự nguyện xin ở lại để được thường xuyên lui tới, gần gũi với ông Đạo Dừa. Họ dựng lều, trại quanh khu vực chùa Nam Quốc Tự và chuyên tâm tu niệm. Trước giờ cơm, họ ra sân rồng bái lạy xong mới dùng bữa. Trong số những người ở đây đa phần “độ ngọ” bằng trái cây, mỗi ngày một bữa, có người hai bữa tùy theo thể trạng và sức khỏe.
Mỗi năm, ông Đạo Dừa chỉ tắm một lần vào ngày mùng 8/4 (ÂL). Mỗi lần tắm chỉ dùng 3 gáo (dụng cụ lấy nước làm bằng gáo dừa của người dân Bến Tre) nước. Khi tắm, có người mang nước tới cho ông và xối ướt từ đầu cho đến chân. Ông ngồi tọa thiền ngoài nắng cho đến khi khô ráo thì thay bộ quần áo mới. Sau này, ba năm ông mới tắm một lần.
Theo một số tín đồ của ông Đạo Dừa, ông “cấm khẩu” suốt 14 năm hành đạo tại quê nhà. Khách đến viếng hỏi thăm việc tu hành, ông viết giấy trả lời chứ không hề hé môi. Ông chỉ “mở kim khẩu” khi nào “nói chuyện thiên cơ”. Cũng vì điều này mà ông từng bị bắt giam. “Mấy ông quan lớn lúc bấy giờ cho người xuống bắt, đưa Cậu Hai đến bệnh viện Chợ Quán giam lỏng ở đó. Họ cho rằng thần kinh của Cậu có vấn đề nên nói những lời nhảm nhí. Hằng ngày, bác sỹ đến khám cho Cậu. Khoảng một tháng sau, Cậu được tha về”, bà Út cho biết.
Đầu năm 1961, ông và người em ruột vượt biên sang Cao Miên (Campuchia). Ông bị bắt giam hơn nửa tháng thì được trả về Việt Nam. Sau khi điều tra, làm rõ, ông không làm chính trị cũng không tham gia đảng phái nào nên được tha bổng. Trước khi vượt biên, ông từng làm đơn xin phép chính quyền thời đó nhưng không được chấp thuận. Mục đích về chuyến đi này cho đến nay vẫn là điều bí ẩn.
Hồi kết nhiều tranh cãi của một “dị nhân” Một số tài liệu hiện còn lưu ở cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre đưa ra những thông tin về ông Đạo Dừa, Nguyễn Thành Nam trái ngược với chia sẻ của các tín đồ. Theo đó, trong thời gian hành đạo, ông thường xuyên ra thuyết pháp, truyền bá đạo và thâu nhận rất nhiều đệ tử. Từ năm 1985, ông làm những điều sai trái, lôi kéo dân lành vào con đường mê tín, kêu gọi mọi người dâng tiền, hiến con cái để ông gây dựng đạo. Những hoạt động này được chính quyền địa phương nhắc nhở. Năm 1990, ông qua đời, thọ 81 tuổi. |
Vinh Điền