Nhiều vụ việc phức tạp
Quan tâm đặc biệt về vấn đề trẻ em bị xâm hại, trong phiên thảo luận sáng 1/11 về kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) cho rằng, chưa khi nào, các vụ xâm hại trẻ em lại gây phức tạp như thời gian qua.
ĐBQH dẫn lại số liệu thống kê ước tính, mỗi năm, cả nước có trên 1.300 trẻ em bị xâm hại tình dục với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng: Số trẻ bị xâm hại ở lứa tuổi mẫu giáo ngày càng gia tăng; xảy ra nhiều vụ xâm hại rồi sau đó giết trẻ hoặc dẫn tới trẻ tự sát; nhiều vụ có tính chất loạn luân như cha dượng xâm hại con riêng của vợ hay cả cha đẻ và ông nội cùng xâm hại trẻ trong thời gian dài (trường hợp ở Vĩnh Long), một số vụ thầy giáo và bảo vệ nhà trường cùng xâm hại nhiều học sinh, chỉ khi các cháu quá sợ hãi, sự việc mới bị phát hiện…
Sự việc nghiêm trọng nhưng sau khi xảy ra lại có dấu hiệu bị bỏ qua, bỏ lọt hoặc khó khăn trong quá trình chứng minh tội phạm.
Gia đình phải là hàng rào đầu tiên bảo vệ các em, nhưng vẫn chủ yếu quan tâm tới con cái theo kiểu truyền thống mà chưa trang bị cho trẻ kiến thức cần thiết để tự bảo vệ mình trước các nguy cơ xâm hại, nhất là khu vực miền núi hoặc nông thôn. Có những vụ việc xảy ra, gia đình không muốn báo với cơ quan có thẩm quyền và cam chịu bỏ qua, chấp nhận đau đớn về tinh thần. Có những vụ việc gia đình quyết tâm đưa ra ánh sáng nhưng do thiếu hiểu biết hoặc mất bình tĩnh nên thiếu hoặc mất đi những chứng cứ ban đầu rất quan trọng để chứng minh tội phạm.
Không đưa được kẻ phạm tội ra trước pháp luật, nhiều gia đình chọn giải pháp chuyển nhà, chuyển trường, hạn chế bớt tác động tới trẻ, còn kẻ phạm tội vẫn bình thản sống ngoài xã hội và tiếp tục là nguy cơ với các trẻ khác.
Chưa đủ công cụ pháp lý bảo vệ nạn nhân
ĐBQH Nguyễn Thị Thủy cũng cho rằng, qua các vụ việc cho thấy, giáo dục giới tính trong nhà trường còn nhiều hạn chế và chưa cập nhật tình hình. Sách giáo khoa rất ít nội dung này, thực tế giáo viên có tâm lý e ngại khi dạy về chủ đề này…
Thiết nghĩ, đã đến lúc ngành Giáo dục cần quan tâm hơn nữa đến nội dung này. Giáo dục giới tính, phòng ngừa xâm hại phải trở thành những bài học bổ ích và có tính bắt buộc ở quy mô quốc gia, không phải mạnh trường nào trường đó làm, các trường ở thành phố có điều kiện thì đầu tư nhiều, các trường ở vùng khó khăn lại ít quan tâm.
Quá trình chứng minh các vụ án này rất khó khăn. Nguyên tắc của tố tụng hình sự là trọng chứng hơn trọng cung. Do đó, nếu không có chứng cứ hoặc chứng cứ yếu thì các cơ quan tố tụng cũng không thể khởi tố, truy tố, kết tội. Trong khi đó, các vụ xâm hại trẻ em thường xảy ra ở những nơi vắng vẻ, ít khi có nhân chứng, trẻ bị hại thường quá nhỏ chưa nhận thức được đầy đủ vụ việc, có những cháu quá hoảng sợ nên khai báo không thống nhất…
Một khó khăn nữa là vấn đề giám định. Luật Giám định tư pháp không có các quy định dành riêng cho loại án này mà áp dụng chung cho tất cả các vụ án khác như tài chính, ngân hàng, xây dựng…
Gia đình người bị hại chỉ có quyền tự trưng cầu giám định nếu sau 7 ngày mà cơ quan tố tụng từ chối giám định và sau đó sẽ rất khó lưu giữ chứng cứ tới thời điểm này. Đối với các vụ án xâm hại trẻ em, càng kéo dài càng khiến trẻ bị tổn thương, khả năng phá án giảm bớt và đặt ra những khó khăn mới.
Kiến nghị sửa luật
“Tôi xin kiến nghị với Quốc hội trong thời gian tới cho sửa luật Giám định tư pháp theo hướng cho phép gia đình nạn nhân được tự trưng cầu giám định ngay sau khi sự việc xâm hại xảy ra”, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy nói.
Vị ĐBQH đoàn Bắc Kạn cũng chỉ rõ: “Công tác quản lý Nhà nước còn những hạn chế. Theo quy định của luật thì có tới 15 cơ quan được giao trách nhiệm bảo vệ trẻ em, trong đó, bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan đầu mối. Nhưng tới nay, chưa cơ quan nào có số liệu chính xác về tình hình trẻ em nước ta thực tế bị xâm hại. Tất cả các số liệu đều đang lấy theo số vụ án đã bị khởi tố. Nếu lấy theo số liệu này sẽ không phản ánh đúng tình hình. Vì có những trường hợp nạn nhân và gia đình sẽ giữ im lặng đến suốt đời. Không đánh giá đúng tình hình sẽ không giải quyết được vấn đề.
Điều 87 của luật Trẻ em quy định: Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm bảo vệ trẻ trên môi trường mạng. Nhưng trên internet hầu như không có cảnh báo, ngăn cản nào. Trong khi đó, khả năng ứng phó, phản kháng của các em với những nguy cơ xấu độc là rất hạn chế.
Những sự việc thời gian qua đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng với trẻ em và khiến người lớn đau lòng. Thời gian tới nhất thiết phải có thêm những hành động cụ thể từ các cơ quan để cải thiện tình hình mà trước hết là những cơ quan được luật giao trách nhiệm. Yêu cầu đặt ra là phải tạo môi trường an toàn cho trẻ. Nếu vụ việc xâm hại xảy ra phải có biện pháp kịp thời bảo vệ trẻ, nhanh chóng tìm ra tội phạm”.
“Tôi kiến nghị bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan để đánh giá đúng tình hình tội phạm xâm hại trẻ em xảy ra trên thực tế. Kiến nghị bộ Thông tin và Truyền thông có những giải pháp công nghệ để bảo vệ các em trên môi trường mạng. Kiến nghị các cơ quan tố tụng Trung ương sớm ban hành quy trình tố tụng đặc biệt giải quyết đối với các loại án này, hướng dẫn cách thức thu thập chứng cứ và rút ngắn tối đa thời gian giải quyết”, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh.