Sáng 18/9, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết, Dự án phát triển lập pháp quốc gia là dự án tổng thể, dài hạn đầu tiên về quy trình xây dựng luật pháp. Dự án sẽ hỗ trợ cải cách toàn diện, tập trung vào những quy định pháp luật có tác động đến phát triển kinh tế.
Theo Bộ Tư pháp, Luật ban hành văn bản pháp luật có hiệu lực từ 2008 đã tác động tích cực, tuy nhiên vẫn còn thiếu nhất quán, chồng chéo và mâu thuẫn. Có quá nhiều cơ quan chính phủ tham gia vào quy trình xây dựng luật; tham vấn công chúng chưa đầy đủ; chất lượng thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật còn yếu.
Ảnh minh họa.
Do vậy, trong 7 năm triển khai với số vốn 15 triệu USD do Canada tài trợ, dự án ra mắt hôm nay được kỳ vọng sẽ giúp Chính phủ xây dựng khuôn khổ pháp lý vững mạnh, hiệu quả, minh bạch, phản ánh nhu cầu người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế công bằng.
Một trong những mục tiêu của dự án là nâng cao năng lực của Bộ Tư pháp và các bộ chủ quản kinh tế trong soạn thảo văn bản pháp luật theo các kỹ thuật và chuẩn mực đã được thừa nhận; tăng cường tính thống nhất, liên kết và chuẩn hóa trong quy trình lập pháp của Việt Nam; nâng cao sự tham gia của người dân và khu vực tư vào quá trình xây dựng văn bản pháp luật...
"Dự án là chìa khóa trong việc nâng cao hệ thống pháp luật của Việt Nam, cải cách hiệu quả quy trình lập pháp", ông Ngô Trung Thành (đại diện Vụ Pháp luật Văn phòng Quốc hội) đánh giá.
Trao đổi với phóng viênThứ trưởng Đinh Trung Tụng cho biết hy vọng qua dự án sẽ có đội ngũ cán bộ pháp chế làm luật chuyên nghiệp, có năng lực cao hơn, tiến tới "gần như là một nghề".
"Quá trình thực hiện dự án sẽ giúp trả lời câu hỏi để cán bộ làm luật ở các bộ ngành như hiện nay hay tập trung về một đầu mối như Canada và một số nước đang áp dụng", ông Tụng chia sẻ.
Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư Pháp) cho biết 10 năm qua đơn vị đã tiếp nhận, kiểm tra trên 1,7 triệu văn bản và phát hiện trên 50.000 có nội dung trái luật. |
Theo Pha Lê (Vnexpress.vn)