15 trường đại học Việt Nam lọt vào Bảng xếp hạng đại học châu Á năm 2024
Theo báo Pháp luật Việt Nam, mới đây Tổ chức xếp hạng Quacquarelli Symonds vừa công bố kết quả Bảng xếp hạng các trường đại học châu Á năm 2024. Theo đó, Việt Nam có 15 trường đại học lọt vào bảng xếp hạng này.
Trong kỳ xếp hạng lần này, tổ chức Quacquarelli Symonds (QS) đã xếp hạng cho 857 cơ sở giáo dục đại học của Châu Á (trong đó có 149 cơ sở giáo dục đại học lần đầu được xếp hạng).
Kết quả xếp hạng này được dựa trên phân tích phản hồi từ hơn 2,1 triệu bầu chọn từ học giả và 617.000 bầu chọn từ nhà tuyển dụng trên toàn thế giới. Cùng với đó, QS đã phân tích từ hơn 141,6 triệu trích dẫn (trong giai đoạn 2017-2022) từ 17,6 triệu công bố khoa học (trong giai đoạn 2017-2021).
Năm nay, 15 trường đại học của Việt Nam lọt bảng xếp hạng này gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Quốc gia Tp.HCM, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM, Trường Đại học Huế, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Tp.HCM, Trường Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Giao thông vận tải, Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Công nghiệp tp.HCM và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Năm trước, Việt Nam có 11 cơ sở giáo dục đại học được lọt bảng xếp hạng này.
Về tiêu chí và trọng số xếp hạng, QS AUR 2024 giữ nguyên phương pháp xếp hạng khi đánh giá các cơ sở giáo dục đại học theo 11 chỉ số. Trong đó, ý kiến đánh giá của học giả và của nhà tuyển dụng có trọng số cao nhất, lần lượt là 30 và 20%. Còn lại là tỉ lệ giảng viên/sinh viên (10%), tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ (5%), số bài báo khoa học/giảng viên (5%), tỉ lệ trích dẫn/bài báo khoa học (10%), mạng lưới nghiên cứu quốc tế (10%), tỉ lệ giảng viên quốc tế (2,5%), tỉ lệ sinh viên quốc tế (2,5%).
Đứng đầu các bảng xếp hạng này gồm các cơ sở: Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) vẫn giữ vị trí số một như năm 2023, Đại học Hong Kong (Trung Quốc) đứng ở vị trí thứ hai, Đại học Quốc gia Singapore xếp thứ ba, cùng xếp thứ tư là Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore và Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc).
Hơn 90% ung thư phổi là do hút thuốc lá
Theo Công An Nhân Dân, ung thư phổi là một trong những bệnh lý ác tính có số lượng người mắc và tỉ lệ tử vong hàng đầu trong các bệnh ung thư thường gặp ở hai giới.
Theo thống kê ung thư toàn cầu Globocan, năm 2020, tại Việt Nam, tỉ lệ mắc ung thư phổi xếp thứ 2 với 26.262 ca mắc mới, chiếm 14.4%, và 23.797 ca tử vong vì căn bệnh này.
Trên thế giới, ung thư phổi cũng đứng thứ hai về tỉ lệ mắc mới và là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong số các bệnh ung thư.
Theo thống kê của ngành y tế, thuốc lá là nguyên nhân chính chiếm tới trên 90% gây ra ung thư phổi, trên 30% gây ra các loại ung thư khác. Mỗi năm, nước ta ghi nhận hơn 182.000 ca mắc mới ung thư, trên 122.000 trường hợp tử vong. Hiện có khoảng 354.000 người đang sống chung với ung thư.
Bộ Y tế khuyến cáo, để phòng chống ung thư phổi cũng như nhiều bệnh ung thư khác và các bệnh không lây nhiễm bằng các biện pháp như bỏ thuốc lá. Bởi thuốc lá là nguyên nhân chính, chiếm tới trên 90% gây ra ung thư phổi và trên 30% gây ra các loại ung thư khác; hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phổi từ 15-30 lần so với các loại ung thư khác.
Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, duy trì lối sống lành mạnh, cần khám sàng lọc ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng đối với các nhóm đối tượng nguy cơ cao. Người dân hãy từ bỏ thuốc lá để có một lá phổi khoẻ mạnh.
Cải cách tiền lương từ 1/7/2024
Về thực hiện chính sách tiền lương, theo Nghị quyết mới được thông qua, từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách Nhà nước.
Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Đối với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước của Trung ương đang thực hiện các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù:Từ ngày 1/1/2024 đến ngày 30/6/2024, mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hàng tháng tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 12/2023 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc năm 2024).
Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm năm 2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì chỉ thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Từ ngày 1/7/2024, bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất.
Không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù hiện hành đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù (chi hoạt động, tăng cường năng lực, hiện đại hóa, đảm bảo hoạt động chuyên môn,...) của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước. Giao Chính phủ tổ chức thực hiện và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.
Các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định. Cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương dành để cải cách tiền lương như quy định tại Nghị quyết số 34/2021/QH15 của Quốc hội.
Trúc Chi (t/h)