Gần đây, UBND TP.HCM đã có văn bản giải trình với bộ Kế hoạch đầu tư liên quan đến quá trình đề xuất xây dựng cầu Thủ Thiêm 4.
Theo đó, cầu Thủ Thiêm 4 dài hơn 2,1km, tĩnh không 10m, thiết kế dạng dây văng gồm phần cầu chính nối quận 2 và 7 với 6 làn xe; phần cầu dẫn trên đường Nguyễn Văn Linh bố trí từ trước nút giao Nguyễn Văn Linh - cầu Tân Thuận 2; hai nhánh cầu dẫn N1, N2 từ cầu chính phía quận 7 xuống đường Huỳnh Tấn Phát.
Trong giải trình gửi bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP.HCM cho biết, muốn thực hiện dự án cầu Thủ Thiêm 4 (nối quận 2 và quận 7) theo hình thức đối tác công - tư (hợp đồng BT).
Theo đó, TP sẽ dùng 11 lô đất có tổng diện tích gần 100.000m² thuộc khu chức năng số 3, 4 (khu đô thị Thủ Thiêm) để thanh toán chi phí xây lắp và thiết bị của cầu Thủ Thiêm 4.
Theo quy hoạch, khu chức năng số 3 là khu thương mại đa chức năng cao tầng được bố trí dọc tuyến Đại lộ Vòng cung. Các chức năng dân cư hỗn hợp mật độ xây dựng thấp hơn ở phía bờ sông Sài Gòn và Hồ Trung tâm. Chiều cao công trình từ 4 đến 25 tầng.
Khu chức năng số 4 là khu dân cư hỗn hợp. Các công trình thương mại đa chức năng mật độ cao tập trung dọc Đại lộ Vòng cung.
Ngoài ra, quỹ đất để thanh toán cho kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng phía quận 7 và các chi phí khác, gồm các khu đất: Số 462-464 Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, gần 1.200m²), 1310 Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức, 5.300m²), 11 đường Linh Trung (hơn 11.700m²), 540/21 Cách Mạng Tháng Tám (quận 3, 7.000m²) và khu đất tại cảng Tân Thuận hiện hữu sau khi di dời.
Theo khảo sát của PV báo Người Đưa Tin, 16 khu đất dùng để đổi cầu Thủ Thiêm 4 trong đó có nhiều khu đất nằm ở vị trí "vàng". Các khu đất đều nằm ở khu vực đông dân cư, khu thương mại đa chức năng...
Dung Nhi - Quốc Thông