Nhà phân tích quân sự Michael Pillsbury trong bài viết trên tạp chí Surival gần đây đã nêu ra 16 cái sợ để giải thích vì sao Bắc Kinh xác định những yêu cầu chiến lược cụ thể và tập trung phát triển một số hệ thống trong thập kỷ qua để tăng cường sức mạnh quốc phòng.
Không có cách nào để biết chắc danh mục mười sáu cái sợ này đã đầy đủ chưa, và cũng không thể xếp theo thứ tự mức độ sợ hãi, nhưng chắc rằng tất cả sẽ tiếp tục tác động đến quá trình ra quyết định quốc phòng của TQ về lâu dài.
16 nỗi sợ này gồm: Sợ bị phong tỏa bởi các đảo; Sợ mất các nguồn tài nguyên biển; Sợ bị chặn các đường giao thông biển; Sợ bị xâm lược trên bộ hay chia cắt lãnh thổ; Sợ bị tiến công bằng lực lượng thiết giáp hay không quân; Sợ mất ổn định bên trong do những cuộc bạo loạn, nội chiến hay khủng bố; Sợ hệ thống đường ống bị tiến công; Sợ các đòn tiến công từ tàu sân bay; Sợ các đòn tập kích đường không lớn; Sợ Đài Loan trở thành một quốc gia độc lập; Sợ các lực lượng chưa đủ mạnh để “giải phóng” Đài Loan; Sợ các lực lượng tên lửa chiến lược bị tiến công bằng lực lượng biệt kích, gây nhiễu hay vũ khí tiến công chính xác; Sợ leo thang và mất khả năng kiểm soát; Sợ bị tiến công điều khiển học; Sợ bị tiến công vào các vũ khí chống vệ tinh; Sợ các nước láng giềng trong khu vực.
Lục quân Trung Quốc
5. Sợ bị tiến công bằng lực lượng thiết giáp hay không quân
Ba đại quân khu dọc biên giới phía Bắc với nước Nga, bao gồm cả quân khu Bắc Kinh, được coi là dễ bị tổn thương trước những đòn tiến công bằng lực lượng thiết giáp và đổ bộ đường không, như nhận định trong công trình nghiên cứu “Địa lý quân sự chiến trường của TQ” năm 2005.
Cuộc tập trận “Thanh gươm miền Bắc” (Northern sword) ở Nội Mông trong năm 2005 với sự tham gia của 2 sư đoàn thiết giáp: trên 2800 xe tăng và xe thiết giáp và lực lượng không vận từ cự ly 2000 km là “Cuộc diễn tập dã chiến lớn nhất giả định một cuộc tấn công quân khủng bố được sự trợ giúp về quân sự của nước ngoài.
Qua những bài viết trên báo chí TQ, có thể suy ra rằng cuộc diễn tập giả định tình huống đối phó hành động xâm lược bằng lực lượng thiết giáp.
6. Sợ mất ổn định bên trong do những cuộc bạo loạn, nội chiến hay khủng bố
Những tuyên bố thường xuyên của TQ chống những phần tử chủ trương tách Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương ra khỏi TQ cho đến nay vẫn được coi là những lời nói cường điệu thông thường của TQ, nhưng thực ra cũng phản ánh mối lo ngại sâu sắc về sự toàn vẹn lãnh thổ của TQ.
Trong tháng 9.2003, báo chí TQ đưa tin 10 cuộc diễn tập chống khủng bố, mỗi tháng đang được tiến hành trên khắp đất nước, một tần số mà Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản, nhận xét là “hiếm thấy từ trước đến nay”.
Những tình huống giả định trong các cuộc diễn tập bao gồm bắt con tin, cướp ngân hàng, tấn công vũ trang vào các cơ sở của chính phủ và những nơi đang diễn ra các cuộc thi đấu thể thao, tấn công bằng vũ khí hoá học và sinh học, các toà cao ốc sụp đổ, những vụ nổ ở các trung tâm mua sắm và đánh cắp các tác nhân sinh học.
7. Sợ hệ thống đường ống bị tiến công
Báo chí TQ đưa tin ít nhất từ năm 2001, hàng năm TQ đã tiến hành các cuộc diễn tập bảo vệ đường ống (gọi là những cuộc diễn tập “Trường Thành”) không rõ TQ coi mối đe doạ đối với hệ thống đường ống chủ yếu liên quan đến phần các phần tử khủng bố trong nước hay một phần trong âm mưu tiến hành một cuộc xâm lược trên bộ của nước ngoài. Mối lo ngại này có lẽ thể hiện một phần trong các kế hoạch huấn luyện cũng như tổ chức lực lượng chống khủng bố.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc
8. Sợ các đòn tiến công từ tàu sân bay
Ít nhất trong một thập kỷ, các tác giả của những bài viết trên báo chí quân sự TQ đã nhận định về nguy cơ có thể bị Mỹ tiến công từ các tàu sân bay và phân tích cách đối phó thế nào cho hiệu quả nhất. Một số cho rằng các lực lượng TQ nên nhằm vào những mặt dễ bị tổn thương của các tàu sân bay Mỹ trong khi số khác đề xuất những hệ vũ khí cụ thể mà TQ nên phát triển. Một trong những hệ vũ khí đó là “tên lửa chống tàu sân bay”.
9. Sợ các đòn tập kích đường không lớn
Trong phần lớn quá trình lịch sử, Không quân TQ thuộc loại kém phát triển và không được coi trọng so với lục quân. Tuy nhiên, từ năm 2004, Không quân TQ đã được giao nhiệm vụ quan trọng hơn, và được xếp ngang hàng với các quân chủng khác. Từ năm 1990, Không quân TQ đã loại khỏi trang bị gần 3000 máy bay cũ, giảm số lượng máy bay chiến đấu từ khoảng 5000 chiếc xuống còn 2000 chiếc có khả năng chiến đấu tốt hơn để bảo vệ lãnh thổ TQ. Lục quân cũng tiếp tục tăng cường khả năng phòng không.
Một nửa số tập đoàn quân của Lục quân TQ hiện nay có các lữ đoàn phòng không. Ngoài ra, trong thập kỷ qua, lục quân còn được cung cấp thêm nhiều trang bị, bao gồm pháo phòng không, tên lửa đất-đối không và trang thiết bị bảo đảm hậu cần. Một phần ba số sư đoàn dự bị của lục quân là các đơn vị pháo phòng không.
10. Sợ Đài Loan trở thành một quốc gia độc lập
Đài Loan trở thành một quốc gia độc lập sẽ không chỉ là một thảm hoạ chính trị đối với tính hợp pháp của chế độ mà đối với Quân giải phóng Nhân dân, mất Đài Loan, với đường hàng hải xung quanh, còn là một tổn thất về quân sự, hơn nữa, một cường quốc bên ngoài có thể sử dụng hòn đảo này làm căn cứ kiềm chế TQ và củng cố dãy đảo phong toả TQ.
Nhiều bài viết trên báo chí TQ khiến người ta có cảm tưởng rằng Bắc Kinh sợ các lực lượng quân sự TQ chưa đủ sức ngăn ngừa Đài Loan tuyên bố độc lập. TQ đã đầu tư rất nhiều cho việc tăng cường khả năng đối phó với tình huống bất trắc ở Đài Loan như tăng cường hệ thống đảm bảo hậu cần liên quân, hệ thống chỉ huy và điều khiển cho các chiến dịch đa quân chủng, và lực lượng hải quân để răn đe và ngăn chặn các lực lượng Hải quân Mỹ ở những khu vực then chốt, và phát triển không lực cùng vũ khí tiến công chính xác để đối phó với tình huống xảy ra xung đột cục bộ, nhưng vẫn chưa hết sợ.
11. Sợ các lực lượng chưa đủ mạnh để “giải phóng” Đài Loan
Ít nhất là từ năm 1992, Quân giải phóng Nhân dân đã tập trung nhiều vào việc tăng cường khả năng đối phó với nguy cơ xung đột tiềm tàng về vấn đề Đài Loan. Trong 15 năm qua, Lục quân TQ tập trung nhiều cho việc huấn luyện tiến hành các chiến dịch đổ bộ; cả hải quân và không quân cũng đều chú trọng huấn luyện thực hiện nhiệm vụ yểm trợ cho việc đối phó với các tình huống bất trắc ở Đài Loan. Kết quả trong mấy năm, hoạt động huấn luyện của các lực lượng vũ trang đã có một số cải thiện về độ phức tạp và chất lượng. Gần đây, các mặt chỉ huy và điều khiển, tác chiến liên quân và tác chiến điện tử cũng được chú trọng nâng cao hiệu quả. Hải quân đang đưa vào sử dụng nhiều tàu tuần tra trang bị tên lửa lớp Hồ Bắc, tuy tốc độ đóng tàu khu trục hiện đại và tàu ngầm chạy bằng động cơ điêzen dường như chậm lại. Trong những năm qua, TQ đã tăng ngân sách quốc phòng dành cho việc khắc phục những mặt còn yếu kém về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hậu cần, các đường vận chuyển và căn cứ hải quân.
Michael Pillsbury – Tạp chí Survival (Còn nữa)