Bạo hành trẻ em, Chủ tịch UBND các cấp phải chịu trách nhiệm
Liên tiếp các vụ bảo mẫu bạo hành trẻ em thời gian qua khiến dư luận bức xúc. Đáng chú ý, luật Trẻ em năm 2016 có hiệu lực từ 1/6/2017 dành hẳn mục 1, chương VI với 17 điều quy định rõ trách nhiệm của 17 cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em (từ Điều 79 đến Điều 95).
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn ĐBQH Mai Thị Phương Hoa, Ủy viên Thường trực ủy ban Tư pháp của Quốc hội xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa bà, dư luận băn khoăn khi luật quy định 17 cơ quan, tổ chức bảo vệ trẻ em nhưng tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ vẫn rất nhức nhối. Ý kiến của cá nhân bà thế nào?
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa: Thực trạng bạo hành trẻ em trong thời gian gần đây dường như xảy ra với tần suất cao hơn và mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Thật đau lòng khi xem những hình ảnh cháu bé non nớt bị đấm đá, bị dốc ngược đầu, bị cô giáo dùng dao dọa nạt, thậm chí bị đánh đến mức để lại thương tật vĩnh viễn.
Tôi cho rằng đây là vấn đề rất đáng báo động. Người lớn, cho dù vì bất cứ lý do gì không có quyền dùng bạo lực với trẻ em, kể cả về thể xác và tinh thần. Mọi hành vi xâm hại, dùng bạo lực đối với trẻ em đều không thể chấp nhận được và đáng bị lên án.
Luật Trẻ em 2016 quy định 17 cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ trẻ em nhưng đáng tiếc là các vụ việc đáng buồn nêu trên cứ tiếp diễn và có xu hướng gia tăng. Tôi cho rằng đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật, tìm được đúng nguyên nhân và có giải pháp thích đáng cho vấn đề này.
PV: Theo bà, vì sao, 17 cơ quan bảo vệ trẻ em nhưng không kéo giảm được thực trạng đau lòng này trên thực tế? Có nguyên nhân từ sự buông lỏng quản lý, "đá bóng trách nhiệm", "cha chung không ai khóc" hay không?
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa: Luật Trẻ em quy định rất rõ về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em. Trong đó quy định rất rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong từng lĩnh vực đối với việc bảo vệ trẻ em.
Đặc biệt, luật quy định Chủ tịch UBND cấp xã, huyện, tỉnh là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra xâm hại trẻ em trên địa bàn.
Hiến pháp năm 2013, luật Phòng, chống bạo lực gia đình, luật Phòng, chống mua bán người, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, luật Hôn nhân và gia đình và nhiều văn bản dưới luật cũng quy định về trách nhiệm bảo vệ trẻ em.
Bên cạnh đó, theo Báo cáo của bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tính đến ngày 28/2/2017, cục Trẻ em thuộc bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có 32 công chức; cấp tỉnh có 441 người làm công tác trẻ em và bình đẳng giới (có địa phương kiêm nhiệm công tác quỹ Bảo trợ trẻ em); cấp huyện có gần 1.000 cán bộ hầu hết là kiêm nhiệm; trên 11.000 cán bộ ở cấp xã đa phần là kiêm nhiệm; có 23/63 tỉnh, thành phố thành lập được đội ngũ cộng tác viên với số lượng hơn 70.000 người.
Như vậy, về mặt quy định của pháp luật là tương đối đầy đủ và đội ngũ làm công tác trẻ em cũng không phải là ít. Tuy nhiên, tình trạng bạo hành trẻ em vẫn xảy ra và chưa có cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là còn có sự buông lỏng của chính quyền địa phương nơi xảy ra tình trạng bạo hành trẻ em, không thể nói chính quyền địa phương không có trách nhiệm gì khi bạo hành trẻ diễn ra trong cơ sở trông giữ trẻ đóng trên địa bàn, nhất là những cơ sở mầm non tư thục.
Công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng trong công tác bảo vệ trẻ em chưa thường xuyên nên không phát hiện ra vi phạm để kịp thời chấn chỉnh, chỉ khi nhân dân tố giác, báo chí lên tiếng thì các cơ quan chức năng mới vào cuộc. Còn có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, có tình trạng các cuộc họp giữa các cơ quan để tìm giải pháp hạn chế bạo hành đối với trẻ em được tổ chức rất nhiều, nhưng dường như những giải pháp vẫn chưa đi vào cuộc sống khiến tình trạng bạo hành trẻ em chưa được kéo giảm nhiều.
Phải quy được trách nhiệm khi có vụ bạo hành trẻ
PV: Thưa bà, trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ trẻ em đã được đưa lên diễn đàn Quốc hội nhiều lần nhưng hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ trên thực tế không cao. Vậy theo bà, giải pháp cho vấn đề này là gì nếu không phải là hô hào, khẩu hiệu?
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa: Theo tôi, có nhiều giải pháp nhưng cần chú trọng hơn đến phòng ngừa là chính và điều này phải đặt lên hàng đầu. Không để tình trạng bạo hành trẻ em xảy ra rồi mới lo giải quyết hậu quả. Vì vậy, trước hết, mỗi gia đình cần có nhận thức rõ về vấn đề bạo hành trẻ em, không ai bảo vệ các em tốt hơn là chính gia đình của các em.
Các bậc phụ huynh phải là những người am hiểu pháp luật, đặc biệt là luật Trẻ em; cần trang bị cho mình những kỹ năng về chăm sóc và bảo vệ con cái; phải kịp thời lên tiếng và đưa sự việc ra xử lý theo pháp luật khi con em, người thân của mình có những dấu hiệu bị bạo hành.
Đối với mỗi vụ bạo hành trẻ em xảy ra cần phải quy được trách nhiệm cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát và áp dụng chế tài cụ thể đối với từng tổ chức, cá nhân đó. Có như vậy mới nâng cao trách nhiệm và hạn chế những vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai.
Bộ luật Hình sự năm 2015, các văn bản pháp luật có liên quan về trừng trị tội phạm bạo hành, xâm hại trẻ em đã có nhiều quy định tương đối nghiêm khắc, có tính răn đe cao; tuy nhiên, cần chú trọng đến khâu thực thi pháp luật, các cơ quan tiến hành tố tụng cần thực thi pháp luật một cách nghiêm minh đối với loại tội phạm này, tránh tình trạng bỏ lọt tội phạm hoặc xử lý không nghiêm, áp dụng hình phạt chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi tội phạm gây ra, dẫn đến tình trạng coi thường pháp luật và gây bức xúc trong dư luận.
PV: Theo bà, có vướng mắc gì trong luật pháp cần sửa đổi hay không?
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa: Như trên đã nêu, chúng ta đã có một hành lang pháp lý tương đối đầy đủ cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các em trong quá trình tố tụng, các cơ quan tiến hành tố tụng cần rà soát để có hướng dẫn nghiệp vụ về quy trình tố tụng riêng đối với người bị hại là trẻ em bị bạo hành để bảo đảm việc giải quyết vụ án nhanh nhất, không gây tổn hại cho các em khi tham gia quá trình tố tụng; quy định chi tiết về bảo mật thông tin, bí mật riêng tư cho trẻ em trong tố tụng, bảo vệ người tố giác.
PV: Trân trọng cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn!