Đến chiều 28/2, thi thể thứ 17, là cháu Nguyễn Minh Q., SN 2019, ngụ Tp.Hà Nội đã được tìm thấy tại bãi đá kè chắn sóng ở phía Bắc nơi vụ tai nạn lật ca nô khiến 17 người tử vong.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Tp.Hội An đánh giá, đây là vụ chìm ca nô có nhiều người tử nạn nhất từ trước đến nay tại biển Cửa Đại.
Ông Sơn cũng cho rằng, nguyên nhân khiến nhiều nạn nhân tử vong dù đã mặc áo phao trong vụ tai nạn là do ca nô chuẩn SB thiết kế quá kín. Khi vụ tai nạn xảy ra, các nạn nhân mắc kẹt, không có chỗ thoát thân.
Trước đây, ca nô du lịch chở khách là loại mui trần, không kín, có mái che. Quá trình di chuyển, du khách có thể bị nước bắn lên, ướt áo quần. Tuy nhiên, trường hợp tai nạn xảy ra, du khách dễ dàng thoát ra ngoài, nổi lên mặt nước vì đã mặc áo phao và được cứu hộ.
Ở vụ tai nạn thương tâm ngày 26/2, ca nô SB được thiết kế đóng kín, có mái kiên cố, kính che xung quanh. Ca nô lật, tất cả những người thoát ra ngoài, kể cả em bé đều sống. Những người còn lại, bị kẹt trong ca nô đều tử nạn.
“Sau vụ việc này, có nhiều vấn đề các ngành chức năng cần phải họp, bàn. Tại cuộc họp, chúng tôi sẽ kiến nghị xem xét lại thiết kế ca nô chuẩn SB”, ông Sơn nhận định.
Nhiều nạn nhân thoát chết chia sẻ, vụ tai nạn xảy ra quá nhanh. Ca nô lật úp, chỉ khoảng 10 giây, nước ập vào. Chỉ những người thoát được ra ngoài còn sống, những người mắc kẹt trong bụng ca nô đều không qua khỏi.
Ông Phạm Ngọc Hùng, SN 1972, ngụ quận Gò Vấp, may mắn thoát chết, nhưng vợ đã qua đời. Ông kể, khi vụ tai nạn xảy ra, nước ập vào, ông nghĩ: “Mắc kẹt trong bụng ca nô lật úp chắc chắn sẽ chết, chỉ khi bơi ra ngoài mới sống”.
Ông đưa mắt nhìn quanh, thấy có chiếc cửa sổ. Ông dùng hết sức, đạp nhiều lần khiến cửa sổ rồi bơi ra ngoài.
“Tôi cho rằng, một trong những lý do nhiều người chết trong vụ tai nạn này là tàu bịt kín, không có lối thoát hiểm. Tai nạn xảy ra, các nạn nhân mặc áo phao, khó có thể lặn ra ngoài. Trong khi đó, xung quanh đều bít kín”, ông nhận định.
Bên cạnh đó, nạn nhân Nguyễn Tấn Hiệp, SN 1972, là bạn của ông Hùng, cũng mất vợ trong vụ tai nạn này. Ông kể, vụ tai nạn xảy ra, nước ngập nhanh nên mọi người mắc kẹt ở bên trong bụng ca nô.
Ông Hiệp tự nhận có nhiều năm đi biển, bơi giỏi, nhưng lúc nguy cấp, do trên người mặc áo phao, ông cố lặn xuống dưới thì lại bị nổi lên. Cố gắng lắm, ông mới tìm đến cửa sổ ca nô, chui ra ngoài. “Nhiều người chết do ca nô đóng kín, nước ngập không thể thoát ra được”, nạn nhân này cho hay.
Đã có nhiều năm tổ chức tour, anh Trần Văn Khoa, Giám đốc Công ty TNHH Lữ Hành Khoa Trần Hoi An Eco Tour phản ánh, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, du lịch tại Tp.Hội An và tuyến đưa du khách ra tham quan đảo Cù Lao Chàm rất lo ngại về an toàn đường thuỷ.
Nguyên nhân thứ nhất vì những năm gần đây, tại biển Cửa Đại có tình trạng bồi lấp, tạo ra đảo cát dài hàng km. Đặc biệt, sau mỗi mùa mưa lũ, cát từ thượng nguồn đổ ra biển, tình trạng bồi lấp càng nhiều. Điều này gây biến đổi dòng chảy. Do đó, khó có thể tránh việc tàu du lịch, đâm, mắc cạn nếu tài công không có kinh nghiệm, am tường luồng, lạch khi vào cửa biển Cửa Đại.
Nguyên nhân thứ hai là ca nô đưa khách từ đất liền ra đảo Cù Lao Chàm và ngược lại. Trước đây, ca nô đưa khách ra vào đảo là ca nô chuẩn SI, có mái che, chở 12 đến 22 khách. Về sau, theo yêu cầu, các doanh nghiệp muốn đưa khách ra vào đảo phải sử dụng ca nô chuẩn SB.
Ca nô chuẩn SB có thiết kế kín, trong trường hợp tai nạn xảy ra, không có đường thoát hiểm. “Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng xem xét vấn đề này nhằm tránh trường hợp tai nạn thương tâm tương tự xảy ra”, anh Khoa nói.