Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra mục tiêu GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái đến năm 2015 đạt 2.000 USD.
Trong một báo cáo khác cho thấy, khả năng mục tiêu này có thể sớm đạt được khi GDP bình quân đầu người tính bằng USD trong năm 2013 đang tiến tới mốc 1.900 USD.
Với tốc độ tăng GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái bình quân đạt 14%/năm, quy mô GDP bình quân đầu người của Việt Nam từ năm 2008 đã vượt qua mốc 1.000 USD. Nếu tính thêm yếu tố giảm giá của đồng USD, thì từ năm 2010 Việt Nam đã chuyển vị thế từ nhóm nước có thu nhập thấp sang nhóm nước có thu nhập trung bình (thấp).
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Số liệu năm 1988 cho thấy, con số này của Việt Nam ¼ thế kỷ trước là 86 USD và là nước có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất thế giới. Số liệu cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam.
Năm 2013, GDP tính theo giá so sánh ước tăng 5,4%, với chỉ số giảm phát GDP ước khoảng trên 7%, tính ra GDP tính theo giá thực tế tăng khoảng 12,8 tương đương khoảng 3.661 nghìn tỷ đồng. Dân số trung bình năm 2012 đạt 88,773 triệu người; dự đoán tốc độ tăng dân số khoảng 1,05%, thì dân số năm 2013 đạt khoảng 89,705 triệu người. Như vậy, GDP giá thực tế bình quân đầu người năm 2013 đạt khoảng 40,8 triệu đồng (năm 2012 đạt 36,6 triệu đồng).
Ở một công bố khác, Ernst & Young nhận định tăng trưởng GDP năm 2013 của Việt Nam giữ ở mức 5,0% tương đương với năm 2012, do sự suy giảm của các thị trường xuất khẩu và tỷ giá lãi suất cao từ đầu năm.
Tổ chức này cũng cho rằng, GDP tăng trưởng của Việt Nam sẽ đạt đỉnh 7% vào năm 2016-2017.
Tuy nhiên, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ngày 12/12 cho biết, hiện còn khoảng 17 triệu lao động Việt Nam có thu nhập quá thấp, không vượt lên trên chuẩn nghèo 2 USD/ngày (khoảng hơn 40 nghìn đồng/ngày). Khoảng 23 triệu người khác đang sống mấp mé trên ngưỡng chuẩn nghèo và rất dễ tái nghèo khi xảy ra khủng hoảng kinh tế.
Tuấn Khanh (tổng hợp)