Wilson đã chia sẻ sáng tạo của mình tại Hội nghị Công nghệ, Thiết kế và Giải trí (TED) tổ chức ngày 28/2 tại California (Mỹ). Cậu hy vọng thiết kế mới sẽ mang những gì "cũ kỹ" vào thế giới công nghệ hiện đại của thế kỷ 21 và góp phần làm thay đổi thế giới.
Taylor Wilson. Ảnh: Internet.
Lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ của Wilson có khả năng sản xuất 50-100 MW điện, đủ cung cấp nhu cầu điện năng cho khoảng 100.000 hộ gia đình. Lò phản ứng có thể được xây dựng theo mô hình lắp đặt dây chuyền, hoạt động nhờ nhiên liệu phóng xạ nóng chảy lấy từ vũ khí hạt nhân cũ.
Do kích thước nhỏ, lò phản ứng của Willson dễ dàng vận chuyển. Tại hội nghị, Willson nói: "Thời Chiến tranh Lạnh, chúng ta xây dựng kho vũ khí nguyên tử khổng lồ và bây giờ chúng ta không cần chúng nữa. Sẽ thật tuyệt nếu chúng ta giải quyết được số vũ khí này và lò phản ứng hạt nhân mini chính là chìa khóa để giải quyết".
Willson cho biết lò phản ứng được thiết kế để quay tuabin khí thay vì tuabin hơi, có nghĩa là lò sẽ vận hành ở nhiệt độ thấp hơn so với các lò phản ứng hạt nhân điển hình và không thải ra bất kỳ thứ gì nguy hại khi xảy ra sự cố. Nhiên liệu được đưa vào dưới dạng muối nóng chảy nên lò phản ứng hạt nhân không cần làm nguội bằng nước nén.
Trong trường hợp xảy ra sự cố, nhà vận hành chỉ cần rút lõi ra khỏi bể chứa bằng thiết bị hút neutron và phản ứng sẽ tự động ngừng lại. Không chỉ giúp hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu, Willson cho rằng thiết kế của mình còn hứa hẹn cung cấp nguồn điện năng đáng kể cho một thế giới đang ngày càng phát triển.
Willson đã tốt nghiệp phổ thông vào tháng 5 năm ngoái, nhưng quyết định chưa theo đuổi việc học đại học để tập trung vào thành lập công ty chuyên sản xuất lò phản ứng hạt nhân dạng môđun. Nhà khoa học trẻ tuổi này lên kế hoạch sẽ cho ra mắt mẫu lò phản ứng thử nghiệm trong hai năm nữa, và một sản phẩm hoàn chỉnh có thể chính thức ra mắt thị trường trong 5 năm tới.
Theo TTXVN