Trong ngày ra quân 6.1, cả U19 Nhật Bản và U19 Việt Nam (VN) đều chơi đẹp và hay hơn đối phương nhưng cùng chịu thất bại với tỷ số 1-2 lần lượt trước các đại diện tới từ châu Âu là U19 Tottenham, U19 AS Roma. Ở đó, sự thực dụng đã lên ngôi trong những giây phút mà sự lãng mạn chưa đủ phiêu để cuốn đi những rào cản thô ráp, sắc nhọn trên “đường bay”.
Hôm nay, U19 Nhật Bản với những cầu thủ có kỹ thuật, tư duy chiến thuật tốt cùng khả năng xử lý bóng tinh tế như nhạc trưởng Shota, tiền vệ Masaya (đang đá cho Oita Trinita ở J.League), tiền đạo Takumi (đang chơi J.League trong màu áo Cerezo Osaka)… sẽ là thước đo năng lực của các học trò HLV Guillaume.
U19 Việt Nam đã chơi tốt trước U19 AS Roma
Không sở hữu thể hình to cao như U19 Roma hay U19 Tottenham, song U19 Nhật Bản vẫn được đánh giá là toàn diện hơn đội chủ nhà. Khác với U19 Việt Nam (gần như chỉ tấn công một khu vực duy nhất là trung lộ), lứa đàn em của Shinji Kagawa cho thấy sự đa dạng hơn trong cách đánh. Tấn công trung lộ bằng những pha bật tường một chạm, đánh biên bằng những quả xẻ nách, thậm chí là chuyền dài vượt tuyến để tận dụng sự hớ hênh của hàng thủ đối phương…
Với những gì U19 Nhật Bản thể hiện trong trận gặp U19 Tottenham, có thể nhận thấy rõ họ là một tập thể gắn kết trong lối chơi bóng nhỏ nhuần nhuyễn. Và trong khoảng hơn chục năm qua, các đội tuyển Việt Nam gần như không có cơ hội được “chơi bóng” khi gặp Nhật Bản. Tại vòng chung kết ASIAN Cup 2007 trên sân Mỹ Đình, đội tuyển Việt Nam khi đó đang rất thăng hoa dưới sự dẫn dắt của HLV A.Riedl cũng thua tâm phục khẩu phục 1-4 trước Nhật Bản.
Phía trước, người hâm mộ đang chờ đợi lứa U19 với thành phần nòng cốt là các thành viên Học viện HAGL-Arsenal JMG: Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường... sẽ trình diễn được lối chơi thêu hoa dệt gấm, “tung hứng” cùng U19 Nhật Bản để tạo nên một bữa tiệc bóng đá đích thực.
Người hâm mộ vẫn đang chờ chiến thắng của U19 Việt Nam
Trước đối thủ được đánh giá là một trong những đội trẻ tốt nhất châu Á hiện giờ, U19 Việt Nam cần phát huy được khả năng kiểm soát bóng chặt chẽ và chắc chắn. Bên cạnh đó, tuyến giữa và hàng công chủ nhà cần biết gây đột biến cao bằng những pha mạnh dạn cầm bóng xâm nhập vòng cấm của các cầu thủ U19 Việt Nam giống như đã từng làm được ở trận gặp U19 Roma.
Có câu “biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”, nếu U19 Việt Nam hiểu rõ những điểm mạnh/yếu của đối thủ và đưa ra kế sách thích hợp, các CĐV chủ nhà có quyền trông đợi vào một kết quả tích cực của thầy trò Guillaume.
Tại VCK U19 châu Á sắp tới, U19 Nhật Bản sẽ là một ứng cử viên lớn cho chức vô địch và cả tấm vé tới VCK U20 Thế giới. Nếu như muốn biến giấc mơ tốp 3 trở thành sự thực, U19 Việt Nam cần phải biết cách đánh bại U19 Nhật Bản. Chỉ có vượt qua những đối thủ mạnh thực sự, chúng ta mới hi vọng tạo lên những điều kỳ diệu.
Đội hình dự kiến
- U19 Việt Nam: Lê Văn Trường; Lê Văn Sơn, Trần Hữu Đông Triều, Trương Văn Thiết, Lương Xuân Trường, Nguyễn Hồng Duy, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Công Phượng, Phạm Đức Huy, Hoàng Thanh Tùng.
- U19 Nhật Bản: Takagiwa Toru; Hirose Rikuto, Miura Genta, Uchiyama Yuki, Uchida Yuto, Mochizuki Reo, Miyaichi Tsuyoshi, Matsumoto Masaya, Minamino Takumi, Sekine Takahiro, Kaneko Shota.
Hạnh An