Tương truyền, mỗi gia đình người Việt đều có 3 vị Thần Táo Quân cai quản cuộc sống. Bởi thế, cứ vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình người Việt lại làm cơm cúng đưa ông Táo về trời, báo cáo những việc lớn, nhỏ của gia đình trong năm cũ với Ngọc Hoàng.
Sau khi mâm cúng ông Táo được chuẩn bị, các gia chủ thực hiện bài văn khấn cúng ông Công, ông Táo để bày tỏ tấm lòng thành kính của mình.
Sau đây là 2 bài văn cúng khấn ông Công, ông Táo chuẩn xác nhất.
Bài khấn nôm ngày 23 tháng Chạp
Hôm nay là ngày... tháng... năm.
Tên con là..., cùng toàn gia ở tại...
Kính lạy đức "Đông Trù tư mệnh Táo phủ Thần Quân:
(Khấn thêm: Thổ địa Long Mạch Tôn Thần. Ngũ phương ngũ thổ Phúc Đức chính Thần)
Hàng năm gặp tiết hết năm, tháng vừa cuối Chạp. Gia đình sửa lễ bạc dâng lên. Cảm tạ phúc dày nhờ Thần phù hộ. Kính mong thần tâu bẩm giúp cho:
Bếp trong nếp sống rất hòa, ngoài mặt dám rằng cũng đẹp. Cảm thông xin tấu thực thà. Cầu mong giúp đỡ lợi lạc. Người người lo ấm, cả nhà thêm tiếng tốt lẫy lừng. Việc việc thành công, một cửa ngút khí lành man mác. Muôn trông ơn đức vô cùng.
Cẩn cáo (vái 4 vái).
(Theo Nguyễn Thị Nhi - Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)
Bài cúng khấn Tết ông Táo 23 tháng Chạp
Nam mô a di đà Phật! (3 lần)
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương
Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ (chúng) con là:... Ngụ tại:...
Hôm nay ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.
Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm. Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.
Chúng con lễ bạn tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô a di đà Phật! (3 lần)
(Theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin)
Chuyên gia phong thủy Mai Văn Sinh cho hay, phong tục thờ cúng Táo quân của dân tộc ta không phải là một hủ tục mê tín dị đoan. Từ đó, chúng ta nên tuân thủ những nguyên tắc truyền thống từ việc làm mâm cúng, cách khấn vái, và tục lệ thả cả chép, vốn được coi là hình tượng nhân văn.
Theo ông Mai Văn Sinh, thả cá chép trong ngày cúng ông Công ông Táo, mọi người nên thả từ từ, nhẹ nhàng xuống sông hồ để cá có cơ hội sống, đó cũng là hành động thể hiện sự thành kính, thiêng liêng, mang lại những điều tốt lành cho bản thân, gia đình.
Thanh Bình