2 Bộ trưởng nói về "bước đi tiếp theo" để xây đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Chủ nhật, 01/12/2024 09:00

Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam không chỉ là một công trình của ngành giao thông mà đây là công trình động lực, tính biểu tượng, tạo ra sức bật cho nền kinh tế.

Quyết tâm cao nhất "chỉ bàn làm, không bàn lùi"

Chiều 30/11, với 92,48% đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội khóa XV vừa thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

2 Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có những chia sẻ nhanh với báo chí về quyết định mang tính lịch sử về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Chia sẻ về sự kiện này, tân Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh nói đây là một quyết định mang tính lịch sử. 

Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam không chỉ là một công trình của ngành giao thông mà đây là công trình động lực, tính biểu tượng, tạo ra sức bật cho nền kinh tế, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu.

2 Bộ trưởng nói về "bước đi tiếp theo" để xây đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh (Ảnh: Phạm Thắng).

"Dự án được Quốc hội bấm nút thông qua chủ trương đầu tư một lần nữa thể hiện ý chí thống nhất, quyết tâm cụ thể hoá mục tiêu đột phá kết cấu hạ tầng, trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt ra", Bộ trưởng Trần Hồng Minh nhấn mạnh.

Cần phải nói thêm rằng, dự án đường sắt tốc độ cao được Quốc hội bấm nút thông qua trong bối cảnh đất nước có đầy đủ sự thuận huy động nguồn lực triển khai khi quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2010; Nợ công ở mức thấp khoảng 37% GDP; dự kiến thời điểm triển khai xây dựng vào năm 2027, quy mô nền kinh tế ước đạt 564 tỷ USD.

Với đa số phiếu của ĐBQH biểu quyết thông qua cho thấy người dân cả nước đều rất mong chờ thời điểm dự án được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết thêm, đây là dự án có quy mô rất lớn, khối lượng công việc nhiều và phức tạp, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. Nhận thức được vấn đề này, ngay từ khi nhận nhiệm vụ, tập thể lãnh đạo Bộ GTVT đã đánh giá, nhận diện được các khó khăn, thách thức phải đối mặt trong các bước tiếp theo.

Để có thể triển khai dự án sớm nhất, Bộ GTVT dự kiến sẽ tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết để chỉ đạo các bộ, ngành địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, các chính sách đặc thù nêu trong Nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là các chính sách liên quan đến huy động nguồn lực đầu tư, rút ngắn tiến độ.

"Chúng tôi nhận thức rõ, việc triển khai dự án sẽ là một hành trình dài với nhiều thách thức, khối lượng công việc rất nhiều, nhiệm vụ rất nặng nề. Trước mắt, ngay sau khi dự án được thông qua chủ trương đầu tư, sẽ phải bắt tay lựa chọn nhà thầu tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (F/s)", ông Minh nói.

Cùng với đó, làm việc với các địa phương để cụ thể hoá chi tiết về hướng tuyến, nhà ga và phạm vi giải phóng mặt bằng để triển khai giải phóng mặt bằng song trùng với bước lập F/s để có thể khởi công vào cuối năm 2027.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết, Bộ GTVT sẽ triển khai ngay các phần việc quan trọng như chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt rà soát, kiện toàn mô hình quản lý đầu tư; sẽ hoàn thiện đề án phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực đường sắt; xây dựng đề án phát triển công nghiệp đường sắt và công nghiệp phụ trợ và nhiều phần việc khác.

"Ngành GTVT nói chung và ngành đường sắt nói riêng đã sẵn sàng với khí thế cao nhất, với quyết tâm cao nhất "chỉ bàn làm, không bàn lùi" đưa dự án sớm triển khai.

Với sự quyết tâm, nỗ lực của ngành GTVT, sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tôi hoàn toàn tin tưởng chúng ta sẽ thực hiện thành công dự án mang tính biểu tượng của kỷ nguyên mới này", Bộ trưởng Trần Hồng Minh nhấn mạnh.

Tạo sức bật cho nền kinh tế

2 năm trên cương vị Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Nguyễn Văn Thắng là người trực tiếp chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng báo cáo xin chủ trương của Bộ chính trị, Chính phủ, báo cáo tiền khả thi dự án trình Quốc hội và giờ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng phương án bố trí nguồn lực triển khai dự án.

Với cương vị mới, là Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Thắng chia sẻ: "Hơn 18 năm nghiên cứu, với rất nhiều những nỗ lực của các thế hệ Lãnh đạo Bộ GTVT, các cơ quan, đơn vị liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, đến giờ phút này khi chủ trương đầu tư dự án đã chính thức được Quốc hội bấm nút thông qua, thực sự tôi đang rất xúc động và cũng rất tự hào".

Theo ông Thắng, dự án Đường sắt tốc độ cao không chỉ đơn thuần là một dự án mà nó là một công trình có tính biểu tượng, ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Việc đầu tư dự án sẽ tạo ra sức bật cho nền kinh tế, phát triển đường sắt tốc độ cao là tất yếu khách quan của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh như Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu chỉ đạo.

2 Bộ trưởng nói về "bước đi tiếp theo" để xây đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng (Ảnh: Phạm Thắng).

Để dự án đảm bảo triển khai sớm và khả thi, hiệu quả như chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết tới đây, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ban ngành, cơ quan liên quan để rà soát về vấn đề nguồn vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, đánh giá tác động về tài chính, kinh tế - xã hội để tham mưu cho Chính phủ một cách kịp thời về nguồn vốn, cũng như về tài chính ngân sách quốc gia để đảm bảo đầu tư dự án nhưng gắn với phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Song song với đó, Bộ sẽ rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt áp dụng cho dự án đã được đề xuất. 

Với vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước về các lĩnh vực tài chính - ngân sách, Bộ Tài chính sẽ tham mưu cho Chính phủ về việc hướng dẫn các cơ chế chính sách đặc thù về nguồn vốn cho dự án, các hướng dẫn về vay vốn, kế hoạch đầu tư công trung hạn...

"Chúng tôi cũng nhận thức trong thời gian tới sẽ còn rất nhiều việc cần phải làm để có thể phối hợp tốt với các bộ, ngành để tham mưu cho Chính phủ triển khai thành công dự án.

Như Tổng Bí thư đã chỉ đạo, việc đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là nhiệm vụ chính trị và ưu tiên nguồn lực đầu tư thực hiện sớm, hôm nay Quốc hội đã thống nhất Nghị quyết về chủ trương đầu tư, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ GTVT, các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai dự án với thời gian nhanh nhất, chất lượng tốt nhất", Bộ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.