Lãnh địa ấy nằm trong khu rừng Chat Che (theo tiếng người Cor có nghĩa là một đồi chè) thuộc dãy núi Apon.
Bí ẩn những căn chòi lá
Căn chòi chính nơi chúng tôi đến được ông Hồ Văn Thanh dựng bên con suối nhỏ. Đây là căn chòi lá cao chừng 5m, làm trên thân một cây chò cổ thụ, lợp bằng lá mây.
Một góc khu vườn thảo quả gồm chuối, khoai mì và mía.
Thân cây chò được làm điểm tựa chính chịu lực cho toàn bộ căn chòi, và hàng chục cây tre lồ ô chống quanh đấy. Đẩy cánh cửa đan bằng tre, che lá mới chui lọt vào bên trong. Mùi khói bếp và tro than kín khắp căn lều. Chiếc cầu thang lên chòi đong đưa và kêu răng rắc theo những bước chân nhưng vẫn chịu lực cho 10 người cùng lúc.
Tại con suối cạn cách căn chòi chính, nơi già Thanh nằm gần 300m, một căn chòi lá tương tự đứng sừng sững bên mé vực. Vẫn lấy một thân cây to làm điểm tựa chính và hàng chục cây tre nứa chống đỡ, căn chòi thứ hai này là nơi chứa những vật dụng của con người mang đến cho ông.
Không có cửa, lối vào chòi băng qua một cây cầu gỗ, bên trong là những mảnh bom, lưỡi câu cá chình, những cây kéo trông như kéo y tế mà theo lời ông Lâm (cháu ruột ông Hồ Văn Thanh) là dụng cụ cắt tóc của cha con già Thanh.
Rất nhiều vật dụng như xoong, nồi, dao, búa... những vật dụng bằng kim loại làm dở dang được cất giữ tại đây, chưa kể các loại hạt giống như lúa, bắp, mè, đậu... được niêm phong kỹ lưỡng trong những ống tre lồ ô khô giòn là những hạt giống cho vụ mùa sau cũng được cất giấu ở đây.
Hệ thống ống tre dẫn nước về căn chòi chính.
Căn chòi này là nơi rất gần để nhìn về phía rẫy, và thoáng gió. “Có lẽ mùa hè cha con ổng tới đây sinh sống. Mùa đông thì ông quay về căn chòi bên suối, ở đó ấm hơn và nhiều thức ăn dự trữ”, ông Lâm phán đoán.
Căn chòi thứ ba đơn giản hơn, nằm giữa rẫy lúa, bắp, sắn, khoai lang... Tất cả đều lợp bằng lá mây, lá dong và lá chuối rừng. Bên dưới là chiếc sạp bằng tre kê trên những tảng đá bằng phẳng. Quanh đó là cái bếp bằng đá. Đây là căn chòi để nghỉ ngơi lúc canh tác trồng trọt. Nằm giữa căn chòi này có thể nghe rất rõ những chiếc bẫy nước tự động phát ra tiếng kêu đì đùng để xua đuổi các con thú vào rẫy phá hoại mùa màng.
Càng lại gần, âm thanh của những chiếc bẫy nước càng rõ ràng, khiến người yếu tim dễ giật thót. Chiếc bẫy nước này có từ rất lâu đời. Đó là một khúc tre lồ ô gồm hai lóng to được xỏ ngang bằng một khúc cây để nghiêng bên suối.
Một đầu ống tre hứng vào vòi nước, đầu kia đặt vào một tảng đá. Khi nước đổ đầy ống tre phía trên, lập tức sức nặng của nước khiến ống tre mất cân bằng và chúc xuống để trút nước.
Sau khi trút cạn, quán tính làm đầu kia của thanh tre đập vào tảng đá phát ra tiếng kêu như ai đập mạnh ống tre vào khối đá vậy. Sự lặp đi lặp lại của dòng nước khiến khu rừng quanh những chiếc lều của hai cha con già Thanh âm vang đì đùng suốt ngày đêm và quanh năm.
Căn chòi cuối nằm ở hướng tây, chếch về bên phải, có thể nhìn đối diện với căn chòi thứ hai bên suối cạn. Đó là nơi chứa những vật dụng làm rẫy, giáo mác, những thanh kiếm, thanh đao bằng gỗ lõi.
Một vài pho tượng bằng gỗ nằm lăn lóc trên nền đất. Đặc biệt có sẵn một chiếc đàn hai dây như đàn nhị cha con ông Thanh tự chế. Gảy vào đó, một âm thanh xèng xèng buồn buồn phát ra giữa núi rừng xanh thẳm.
Dâu đất đặc nghẹt thân cây.
Khu vườn thảo quả
Đi một vòng quanh khu rừng có bốn căn chòi lá của cha con ông Hồ Văn Thanh, lọt vào tầm mắt chúng tôi là khu vườn có rất nhiều cây trái ngọt lành. Những cây mít trái đong đưa treo mình bên suối. Cạnh đó là những cội dâu đất trái lủng lẳng treo toàn thân đang chín rộ. Những bụi mía ngọt mềm đứng thẳng tắp...
Khu vườn rộng hơn hai sào (2.000m2) của cha con ông Thanh nằm thoai thoải trên một triền dốc, bao bọc bởi rất nhiều con suối nhỏ. Khu vườn này không khác mấy một khu rừng vì ông trồng cây ăn quả xen lẫn cây rừng cao to tỏa bóng sum sê mà ông giữ lại chứ không chặt.
Ngoài lúa thì sắn, ngô, khoai lang, bắp... là những thực phẩm chính được trồng đan xen nhau trong khu vườn. Bên con suối nhỏ, từng vạt rau muống, rau răm, rau diếp cá, rau lót, rau dền, mồng tơi, đặc biệt là khổ qua rừng treo lủng lẳng bên lối đi về chòi.
Để chuẩn bị cho bữa ăn của chúng tôi trước khi xuống núi, ông Lâm dạo quanh khu vườn mang về một gùi rau với đủ chủng loại cho một nồi canh to. Nghệ, riềng, sả, ớt chuột, có cả củ hành và nén được trồng trong khu vườn này. “Gia vị này là để ướp thịt thú hoặc cá suối. Đây là giống được mang từ dưới xuôi lên”, ông Lâm nói.
Đặc biệt, khu vườn không thể thiếu trầu cau, thuốc lá và chè. Nhiều người cho rằng chính nhờ những chất kích thích quý giá này mà cha con ông Thanh tồn tại qua mùa đông dài lạnh lẽo bất chấp việc không áo quần, chăn ấm.
Cũng giống những khu vườn của người Kinh ở vùng trung du, rất nhiều cây chè được trồng quanh để làm hàng rào che chắn. Những cây chè ở đây um tùm lá, thân cây cao vút.
Còn trầu và cau thì nhiều không đếm xuể. Những dây trầu hồn nhiên leo như cây lá dại trong rừng. Mang một ống nứa chứa đầy vỏ ốc đá, ông Lâm giải thích cái này người Cor gọi là “lắc - cà - phôi” - một đầu đựng vôi được nung từ chính những vỏ ốc đá đó, đầu kia đựng trầu và cau khô. Quệt một ít vôi lên trên lá trầu xanh, nhai nửa trái cau, ông Lâm nhắm nghiền mắt nhai đến khi cái miệng đỏ quạch nước rồi nhổ toẹt xuống đất. “Ấm lắm. Nhai trầu rất sạch miệng. Vôi nóng làm mình không bị cảm lạnh”, ông Lâm giải thích.
Những mũi chông được cắm đầy quanh khu vườn thảo quả.
Lửa và đời sống tinh thần
Lửa là thứ không thể thiếu, đặc biệt là lửa trong mùa mưa giữa cánh rừng sâu thẳm này. Trong ống nứa khô có rất nhiều bùi nhùi được lấy từ thân cây đủng đỉnh xé mịn như bông gòn. Một ít bột cây màu xám như tro để bên dưới. Ông Hồ Văn Lâm giải thích: “Dụng cụ này dùng để đánh lửa. Chỉ cần lấy hai cục đá đánh mạnh, lửa sẽ bắn ra bùi nhùi và cháy”.
Một cục chai to bằng hai nắm tay được lấy từ thân cây dầu rái cất cẩn thận nơi góc bếp. Ông Lâm bảo: “Ánh điện của hai cha con đấy. Cục dầu này thắp lên sáng cả căn chòi, gió thổi không tắt, mưa phùn nhỏ vẫn cháy sáng”.
Hàng chục chiếc tonan (chiếc khố bằng vỏ cây), ra-cà (cái gùi) dệt bằng vỏ cây và những sợi dây mây được đan dở dang thì ông Thanh đổ bệnh. Nhìn ngọn giáo ông tự rèn và hàng loạt chiếc nanh heo, móng vuốt, xương các đầu thú treo nơi vách bếp, trong các nhà kho, mới thấy rõ khả năng săn bắt phi phàm của hai cha con nơi rừng thẳm.
Gói cẩn trọng và treo nơi kín đáo nhất là món đồ cúng gọi hồn của ông Thanh. Đó là một cái chuông nhỏ bằng đồng, cạnh đó là những hạt cườm óng ánh to bằng hạt đậu xâu thành chuỗi bọc quanh chuông. Khi rung lên chúng vang những tiếng leng keng như tiếng kẻng nhỏ nhưng âm vang rất xa. “Ở đây khi cúng trời đất, cúng mọi thứ, người Cor đều dùng vật dụng này”. Điều này chứng tỏ không chỉ cố gắng tồn tại về thể chất, hai cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh cũng chuẩn bị chu đáo cho cả đời sống tâm linh của mình.
Trận địa chông và bẫy
Con đường dẫn vào lãnh địa Chat Che nếu đi lạc là dứt khoát dính bẫy. Nhiều người Cor dưới làng léng phéng vào khu rẫy của ông cũng đã dính chông rồi. Bẫy của già Thanh vừa phòng ngừa thú dữ vừa bắt thú ăn thịt, vừa là thành lũy răn đe người miền xuôi bén mảng đến nơi ông sinh sống.
Dẫn chúng tôi ra đầu suối, nơi có ống tre nứa chẻ đôi để làm máng nước dẫn về căn chòi, ông Hồ Văn Lâm chỉ cơ man là chông, cả một rừng chông như trận địa được cắm dày đặc. Chông được vót nhọn to có, nhỏ có, cái cao ngang đầu gối, cái ngang hông, lô nhô đứng từng đám. Chưa hết, những chiếc bẫy thắt làm bằng dây rừng treo lủng lẳng, những bẫy đá gài chuột sẵn sàng sập đè bẹp con thú, những chiếc bẫy dây nhỏ gài chim bao vây khắp căn chòi.
Theo Tuổi trẻ/ Tri thức