Theo The New York Times, cả 2 chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 bị rơi ở Indonesia (ngày 29/10/2018) và Ethiopia (ngày 10/3/2019) đều không được trang bị đồng hồ hiển thị góc tấn và đèn cảnh báo lỗi cảm biến.
Nguyên do bởi đây là 2 thiết bị phụ, không có sẵn trên máy bay và các hãng hàng không có quyền mua thêm hoặc không vì cơ quan quản lý không bắt buộc.
Đèn báo hiệu sự cố cho hệ thống an toàn tự động (MCAS) là hệ thống an toàn tự động được lắp đặt cho dòng máy bay 737 MAX 8, giúp máy bay tránh bị rơi vào trạng thái chết động cơ hay mất lực nâng vì dòng máy bay này nặng hơn, có nhiều động cơ tiết kiệm nhiên liệu làm thay đổi chất lượng khí động lực của máy bay.
Hệ thống này có thể làm cho đầu máy bay bị hướng lên cao trong một số điều kiện nhất định khi bay ở chế độ người điều khiển. Các thiết bị cảm biến trên máy bay sẽ truyền dữ liệu cho MCAS tự động điều chỉnh mũi máy bay chúi xuống nếu nhận thấy có nguy cơ máy bay rơi vào trạng thái chết động cơ. Đèn báo hiệu sẽ kích hoạt nếu các thiết bị cảm biến truyền dữ liệu sai cho MCAS.
Kết quả điều tra sơ bộ vụ tai nạn máy bay Lion Air cho thấy cảm biến góc tấn đã bị lỗi và kích hoạt MCAS khiến mũi máy bay chúi xuống đất, bất chấp nỗ lực kiểm soát của phi công. Các nhà điều tra tại Pháp và Ethiopia cho biết cả hai vụ rơi máy bay Boeing 737 MAX “có những điểm tương đồng rõ ràng”.
Giới chuyên gia hàng không nói 2 thiết bị trên đều cực kỳ cần thiết cho an toàn bay và việc lắp đặt thêm không tốn quá nhiều tiền. Theo The New York Times, Boeing sẽ lắp đặt thêm đèn báo hiệu cảm biến bị trục trặc cho toàn bộ máy bay 737 MAX mới trong khi đồng hồ hiển thị góc tấn vẫn là thiết bị phụ mà các hãng hàng không có quyền mua hoặc không. Các cơ quan quản lý cũng sẽ chỉnh sửa các quy định cũ của mình và yêu cầu bắt buộc các thiết bị an toàn này đối với mọi máy bay.
Cũng liên quan đến vụ việc, ngày 22/3, hãng hàng không quốc gia Garuda của Indonesia báo sẽ hủy đơn đặt mua 50 máy bay Boeing 737 MAX 8 trị giá 4,9 tỉ USD tổng cộng, sau khi xảy ra hai vụ rơi máy bay loại này trong vòng 5 tháng qua. Đây được xem là quyết định chính thức hủy đơn hàng đầu tiên đối với dòng máy bay Boeing 737 MAX 8. Cùng thời gian này, hãng hàng không Lion Air (Indonesia) cũng đã hoãn nhận 4 chiếc Boeing 737 MAX 8
Bá Di (Tổng hợp)