Tin tức trên báo Người Đưa Tin ngày 19/1, TAND tỉnh Bắc Giang đã mở lại phiên xét xử sơ thẩm đối với hai bị cáo Đặng Thế Vinh (SN 1961, nguyên trưởng phòng 10, VKSND tỉnh Bắc Giang) và Trần Nhật Luật (SN 1959, nguyên phó trưởng Công an huyện Việt Yên) về hành vi Làm sai lệch hồ sơ vụ án theo khoản 3, Điều 300 Bộ luật hình sự.
Trước đó báo đài đã tốn không ít giấy mực để đưa tin về vụ án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn (55 tuổi, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) gây chấn động dư luận trong thời gian qua. Người trực tiếp gây nên oan sai cho ông Chấn được cơ quan điều tra xác định chính là hai bị cáo Vinh và Luật.
Theo cáo trạng, vào tháng 8/2003, chị Nguyễn Thị Hoan bị giết tại nhà riêng ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang. Quá trình điều tra, công an xác định ông Chấn là thủ phạm và phải lĩnh án chung thân về tội Giết người. Ông Chấn kêu oan nhưng TAND Tối cao do ông Phạm Tuấn Chiêm làm chủ tọa đã bác đơn kháng cáo của ông Chấn.
Một niềm tin mãnh liệt rằng chồng mình bị kết án oan, trong suốt 10 năm ông Chấn ngồi tù, bà Chiến (vợ ông Chấn) cùng người thân đã lật đật gửi đơn kêu cứu nhiều nơi và phải mãi cho tới tháng 7/2013, Cục Điều tra VKSND Tối cao mới vào cuộc. Hung thủ thực sự của vụ án này là Lý Nguyễn Chung sau một thời gian dằn vặt bản thân nên đã ra đầu thú, sau đó bị xử phạt 12 năm tù về 2 tội danh là Giết người và Cướp tài sản.
Đến tháng 11/2013 TAND Tối cao đã hủy hai bản án kết tội ông Chấn giết người với mức phạt tù chung thân.
Từ đó, VKSND Tối cao vào cuộc và phê chuẩn quyết định khởi tố, tạm giam Trần Nhật Luật và Đặng Thế Vinh để điều tra hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Tiếp đó, ngày 30/9/2014, Cục Điều tra VKSND Tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố bị can với cựu thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm (65 tuổi, cựu thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao, chủ tọa phiên phúc thẩm bác đơn kêu oan của ông Chấn). Tuy nhiên bị can này đang được tạm đình chỉ điều tra về tội về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng vì lý do sức khỏe.
Đứng cúi gằm mặt trước vành móng ngựa để nghe vị đại diện VKS truy tố về hành vi phạm tội, thế nhưng sau khi vị kiểm sát viên dứt lời, được HĐXX hỏi lại hành vi phạm tội của các bị cáo có đúng với bản cáo trạng của VKS truy tố thì cả hai bị cáo đều không thừa nhận hành vi sai trái của mình và cho rằng không phạm tội.
Bị cáo Luật cho rằng nội dung bản cáo trạng quy kết bị cáo cố tình in vết chân của ông Chấn để đưa vào hồ sơ vụ án và kết quả giám định 16 vết chân thu tại hiện trường nhưng không đề xuất với cấp trên để giám định là không đúng. Bởi lẽ, bản thân bị cáo về Công an tỉnh Bắc Giang là 13/8/2003, sau đó bị cáo được lãnh đạo cho nghỉ vài ngày. Khi quay trở lại làm việc, Luật không được khám nghiệm hiện trường mà chỉ được phân công làm công tác phát động quần chúng tìm ra đối tượng nghi vấn.
Bị cáo Vinh cũng cho rằng cáo trạng buộc tội mình có hành vi rút bản phản cung và phúc cung ông Chấn để làm căn cứ truy tố về tội Làm sai lệch hồ sơ vụ án là không đúng. Ngoài ra, Vinh cũng cho rằng ở hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ông Chấn bị buộc tội bằng các chứng cứ khác và phù hợp với lời khai của ông Chấn.
“Bị cáo cho rằng việc lưu giữ hai bản phúc cung không ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng của cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Vào thời điểm đó, bị cáo nhận thức như vậy”, Vinh khai nhận.
Được HĐXX hỏi, bị cáo có nhận thức như thế nào về trách nhiệm của mình đối với vụ án của ông Chấn. Trả lời câu hỏi này, Luật cho rằng mình đã làm hết trách nhiệm theo nhiệm vụ cấp trên giao.
“Đến khi Chung ra đầu thú bị cáo tự đặt ra câu hỏi: Tại sao lại như vậy?, việc ông Chấn có quyết định oan sai bị cáo cũng không biết sai ở chỗ nào, giai đoạn nào mong HĐXX xem xét”, Luật trả lời.
Chiều nay, HĐXX sẽ tiếp tục làm việc.
Yến Nhi