Theo Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 từ ngày 1/7/2024.
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, viên chức được xây dựng 2 bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế bảng lương hiện hành. Việc thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới phải bảo đảm không được thấp hơn tiền lương hiện hưởng, cụ thể:
- 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo.
- 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.
Bên cạnh đó, một trong các yếu tố cụ thể để xác định thiết kế bảng lương mới theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 là mở rộng quan hệ tiền lương làm căn cứ để xác định mức tiền lương cụ thể trong hệ thống bảng lương.
Theo đó, chính sách tiền lương mới mở rộng quan hệ tiền lương từ 1 - 2,34 - 10 hiện nay lên 1 - 2,68 - 12.
Ngoài mức lương cơ bản, chế độ tiền lương mới còn sắp xếp lại các loại phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương (trong đó, có trường hợp cao hơn 30% hoặc thấp hơn 30%) và 10% tiền thưởng.
Dự kiến từ ngày 1/7/2024, tiền lương bình quân của công chức, viên chức sau khi thực hiện cải cách tiền lương tăng hơn 32% (tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng) so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/tháng), tức có thể tăng đến mức 10 triệu đồng/tháng.
Như vậy, từ ngày 1/7/2024, 2 đối tượng viên chức sau đây có thể nhận mức lương 10 triệu đồng/tháng bao gồm:
- Viên chức giữ chức vụ lãnh đạo.
- Viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.
Mức tăng tiền lương nêu trên là mức lương bình quân của đối tượng công chức, viên chức so với thu nhập bình quân hiện nay của lao động làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/tháng). Mức thu nhập này không cố định mà có thể sẽ thay đổi trong thời gian tới.
Tiếp tục tăng lương thêm 7%/năm từ 2025
Một điểm đáng chú ý nữa là từ năm 2025, Chính phủ tiếp tục điều chỉnh mức lương trong các bảng lương tăng thêm bình quân khoảng 7%/năm. Tức là sau khi thực hiện cải cách tiền lương có bảng lương mới với mức lương tăng hơn so với hiện hành thì hàng năm công chức, viên chức vẫn được tăng lương thêm 7%.
Việc tăng lương thêm 7% để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP và được thực hiện cho đến khi mức lương thấp nhất của khu vực công bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng 1 của khu vực doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, việc Quốc hội thông qua chính sách cải cách tiền lương lần này vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính thời sự, tạo tâm trạng vui tươi, phấn khởi trong xã hội và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Để thực hiện được chính sách cải cách tiền lương là sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành trong thời gian qua. Trong đó phải kể đến nỗ lực trong việc tạo nguồn cho cải cách tiền lương.
Tuy nhiên, để có nguồn thực hiện chính sách cải cách tiền lương bền vững, đảm bảo tốc độ tăng trưởng hàng năm, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ thời gian tới, nhiệm vụ hàng đầu là tập trung để tạo nguồn lực tài chính bền vững. Vì vậy, việc thu ngân sách như thế nào, tiết kiệm chi ra sao để đảm bảo có nguồn cho tiền lương sau giai đoạn 2024 - 2026 là vấn đề cần phải quan tâm.
Minh Hoa (t/h)