Cuộc chiến giữa Ukraine và Nga đã rơi vào bế tắc, 2 năm sau khi Moscow phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” chống lại Kiev.
Xung đột sẽ không sớm kết thúc
Thay đổi lớn nhất trên chiến tuyến kể từ tháng 5 năm ngoái đến nay là việc các lực lượng Nga giành quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố Avdiivka ở tiền tuyến Donbass. Đây là ngã tư chiến lược chỉ cách thành phố Donetsk do Nga kiểm soát 16 km.
Việc Avdiivka, phía Nga gọi là Avdeevka, thất thủ là một tổn thất mang tính biểu tượng lớn đối với Ukraine và phương Tây. Trong khi các quan chức Mỹ ban đầu lập luận rằng đó không phải là một bước thụt lùi chiến lược đáng kể, thì tính toán đó có thể sớm thay đổi.
Theo tờ New York Times, hàng trăm binh sĩ Ukraine có thể đã biến mất hoặc bị bắt trong cuộc rút lui hỗn loạn của Ukraine khỏi Avdiivka. Tờ báo Mỹ dẫn lời 2 binh sĩ nắm rõ thông tin về cuộc rút lui cho biết ước tính có khoảng 850-1.000 quân đã bị bắt hoặc mất tích. Ước tính này được các quan chức phương Tây cho rằng có vẻ chính xác.
Những tổn thất nặng nề có thể giáng một đòn mạnh vào tinh thần của Ukraine, vốn đã bị xói mòn sau cuộc phản công thất bại năm ngoái và động thái bãi nhiệm một chỉ huy quân sự hàng đầu gần đây. Ukraine đang muốn huy động thêm tới 500.000 quân, nhưng sự kiện ở Avdiivka có thể khiến nỗ lực tuyển mộ càng trở nên khó khăn hơn.
Ngoài ra, cả 2 bên trong cuộc xung đột này đều đang trong cảnh thiếu thốn đạn dược. Ukraine đã dựa vào viện trợ của phương Tây trong phần lớn cuộc xung đột, và hiện đang trong tình cảnh khó khăn khi dòng viện trợ bị đình trệ.
Gói viện trợ trị giá 95,3 tỷ USD, với 2/3 trong số đó dành cho Ukraine, vẫn “tắc” tại Hạ viện Mỹ. Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa cho biết họ không cảm thấy cần phải “vội vàng” phê duyệt khoản viện trợ này.
Trong khi cả 2 bên trong cuộc xung đột đều giữ bí mật về con số thương vong của mình, Liên Hợp Quốc cho biết họ đã ghi nhận 10.382 trường hợp thường dân thiệt mạng ở Ukraine và gần 20.000 người bị thương kể từ khi chiến sự bùng nổ vào ngày 24/2/2022.
Số người thiệt mạng sẽ chỉ ngày càng tăng, và cuộc chiến khốc liệt đã ảnh hưởng đến tinh thần của cả quân và dân Ukraine.
Quân đội Nga cũng hứng chịu những thất bại trên tiền tuyến, với việc Ukraine bảo vệ thành công không phận của mình, đồng thời tiến hành các cuộc tấn công vào Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga ở Bán đảo Crimea và các thành phố Nga nằm gần biên giới với quốc gia Đông Âu.
Để đáp ứng nhu cầu của chiến dịch quân sự, Điện Kremlin đã đặt nền kinh tế Nga vào trạng thái thời chiến. Theo kế hoạch ngân sách của mình, Moscow tính duy trì trạng thái này trong ít nhất 3 năm tới, song song với việc tăng cường chi tiêu cho sản xuất vũ khí.
Không cần đợi đến bây giờ, người Nga đã thích nghi với thực tế mới chỉ trong vòng một năm sau chiến sự, theo bài xã luận của Denis Volkov và Andrei Kolesnikov đăng trên trang web của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế tháng 8 năm ngoái.
“Hầu hết người Nga hiểu rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ không sớm kết thúc và họ cố gắng không tập trung quá nhiều vào các chủ đề quân sự hoặc diễn biến ở mặt trận. Xã hội Nga đã học được cách ngừng lo lắng về chiến tranh”, hai vị chuyên gia cho biết.
Không rõ xung đột sẽ tiếp diễn như thế nào. Các nhà phân tích cho rằng điều đó phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ của phương Tây cho Ukraine, những quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin, và việc liệu một thỏa thuận hòa bình có thể đạt được hay không.
“Ngã ba đường” cho phương Tây
Vào mùa hè và mùa thu năm 2022, đã có nhiều cuộc thảo luận về việc tìm ra một phương thức cho phép Tổng thống Nga thoát khỏi một cuộc chiến không thể thắng mà không bị mất thể diện.
Giờ đây, khi cuộc xung đột bước sang năm thứ 3, phương thức này vẫn tiếp tục được bàn luận, nhưng lần này, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy nó cần cho phương Tây hơn.
Tập thể phương Tây hiện đang đứng trước “ngã ba đường”, với một bên là tăng gấp đôi nỗ lực hỗ trợ Kiev, và một bên là tìm kiếm một thỏa hiệp có thể chấp nhận được đối với Ukraine trong khi không để ông Putin tuyên bố đó là chiến thắng.
Triển vọng của Ukraine, sau 2 năm chiến sự khốc liệt, trở nên bất định hơn bao giờ hết. Những tổn thất về dân số, cả về thương vong trên chiến trường và làn sóng di cư vì xung đột, sẽ khó khắc phục và chỉ càng làm tê liệt nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn của Ukraine.
Không chỉ vậy, chi phí của cuộc chiến đang tăng lên với tốc độ đáng kinh ngạc. Đánh giá chung mới nhất của EU, Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên Hợp Quốc về nhu cầu phục hồi của Ukraine, đưa ra con số mới nhất là 486 tỷ USD, tăng 75 tỷ USD so với con số được tổng kết sau 1 năm xung đột.
Điều này có nghĩa là nhu cầu của Ukraine đã tăng gấp rưỡi trong 12 tháng so với con số 54 tỷ USD mà EU nhất trí hỗ trợ cho Ukraine trong 4 năm tới.
Kết quả cuộc khảo sát “Chỉ số An ninh Munich” năm 2023 cho thấy, có 5 quốc gia G7 coi Nga là rủi ro hàng đầu. Cuộc khảo sát tương tự vào năm 2024 cho kết quả là nhận thức này chỉ được chia sẻ bởi 2 thành viên G7. Với sự phụ thuộc tuyệt đối của Ukraine vào sự hỗ trợ chính trị, kinh tế và quân sự của G7, điều này thật đáng lo ngại.
Đây không phải là điềm báo tốt cho khả năng các nhà lãnh đạo chính trị châu Âu duy trì được sự ủng hộ cần thiết của công chúng để tiếp tục chuyển viện trợ tới vùng xung đột. Ví dụ, cử tri ở Pháp và Đức quan ngại nhiều hơn về tình trạng di cư hàng loạt và chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan hơn là những kế hoạch của ông Putin đối với Ukraine.
Hơn nữa, Ukraine không phải là cuộc khủng hoảng duy nhất đòi hỏi sự chú ý của tập thể phương Tây. Cuộc chiến ở Gaza và nguy cơ xung đột lan rộng hơn trên khắp Trung Đông đang và sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự.
Ngoài ra, còn vô số điểm nóng khác, như cuộc nội chiến đang diễn ra ở Sudan, xung đột gia tăng ở miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo và căng thẳng gia tăng giữa Ethiopia và Somalia. Dù những sự kiện này không “chiếm sóng” truyền thông toàn cầu, chúng đều có khả năng khiến công chúng phương Tây quan ngại về một cuộc khủng hoảng di cư hàng loạt khác.
Trong bối cảnh đó, cuộc chiến ở Ukraine ngày càng trở nên tốn kém. Vấn đề mấu chốt là những cam kết ủng hộ Ukraine kiểu “bao lâu cũng được” không những trở nên vô nghĩa mà còn phản tác dụng. Phương Tây duy trì ảo tưởng về một cuộc chiến có thể thắng mà không cung cấp cho Ukraine những khả năng cần thiết.
Như Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich (MSC) ngày 17/2, tình trạng thiếu thiết bị quân sự mà Ukraine trải qua trong vài tháng qua là yếu tố chính dẫn đến việc mất thị trấn Avdiivka gần đây vào tay các lực lượng Nga.
Chiến tuyến có thể không dịch chuyển quá vài trăm mét do tổn thất này, nhưng tác động tâm lý là đáng kể – kể cả ở phương Tây, nơi những nghi ngờ về ý chí và khả năng duy trì những nỗ lực chiến tranh của Ukraine đang gia tăng trở lại.
Nếu cuộc xung đột tiếp tục diễn ra theo quỹ đạo hiện tại, và thậm chí còn tệ hơn thế nữa khi câu chuyện về một cuộc chiến không thể thắng lại dậy sóng, thì sự hỗ trợ của phương Tây khó có thể ngăn Ukraine hứng chịu một thất bại nặng nề.
Tìm kiếm một lối thoát không có nghĩa là để Nga giành chiến thắng. Điều đó có nghĩa là cho phép Ukraine bảo vệ các khu vực hiện vẫn nằm dưới sự kiểm soát của họ. Nó sẽ đòi hỏi nhiều viện trợ của phương Tây hơn, nhưng cũng cần xem xét nghiêm túc việc đàm phán ngừng bắn.
Việc chấm dứt giao tranh sẽ giúp Ukraine có thêm thời gian để xây dựng năng lực phòng thủ trong nước mạnh mẽ hơn, sẵn sàng cho các cuộc xung đột trong tương lai.
Minh Đức (Theo NY Times, CGTN, The Conversation)