Những thói quen xấu có thể dẫn đến bệnh ung thư và đột tử
Thức khuya gây hại sức khỏe: Xã hội hiện đại và phát triển, nhiều người phải thức đêm do lối sống thay đổi, do tính chất công việc… Tuy nhiên thức đêm rất ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới đã liệt kê thức khuya là “yếu tố có thể gây ung thư”. Thức khuya trong thời gian dài sẽ làm giảm khả năng miễn dịch và thậm chí gây ung thư.
Nếu thức khuya lâu ngày có thể dẫn đến làm việc quá sức, một số mảng xơ vữa dễ bị vỡ do làm việc quá sức, tăng huyết áp, co thắt mạch.
Lâu ngày một số mảng có thể hình thành huyết khối sau khi vỡ, có thể gây tắc mạch vành hoặc mạch máu não trong thời gian ngắn, dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc nhồi máu não, thậm chí đột tử trong trường hợp nặng.
Ngoài ra, khi thức khuya lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể, thức khuya lâu ngày còn có thể gây đau, sưng tấy, rối loạn nội tiết, hệ thần kinh bị rối loạn, dẫn đến da khô, đàn hồi kém, xỉn màu, nổi mụn, trứng cá, thâm nám, làm tổn thương thính giác và các vấn đề khác…
Tắm đêm rất nguy hiểm đối với sức khỏe: Nói về thói quen tắm đêm, lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội) cho biết: Tắm đêm là một thói quen cực kỳ nguy hiểm, bởi ban đêm thuộc về âm, nhiệt độ lúc này giảm xuống thấp nhất trong ngày nên có thể tổn hại cho sức khỏe. Đặc biệt, tắm đêm khiến con người dễ trúng gió, nhiễm bệnh, dễ đau đầu, đột quỵ.
Theo các bác sĩ, nhiệt độ ban đêm thường hạ thấp cùng với nhiệt độ nước tắm không phù hợp khiến cơ thể phải tự điều chỉnh bằng cách co mạch hoặc giãn mạch để giữ nhiệt hoặc thoát nhiệt. Mạch máu não bị co lại quá đột ngột có thể gây đột quỵ do nhồi máu não, có thể gây ra nhồi máu cơ tim cấp dẫn tới đột quỵ.
Bác sĩ khuyến cáo, mọi người nên tạo thói quen tắm sớm, nhất là trong những ngày thời tiết lạnh giá. Thời điểm tốt nhất để tắm nên vào buổi sáng hoặc buổi tối trước 20h. Tuyệt đối không tắm sau 23h.
Thói quen buổi tối nào tốt cho sức khỏe?
Sống đúng giờ: Xây dựng thói quen đi ngủ đúng giờ vào ban đêm và thức dậy đúng giờ vào buổi sáng có thể giúp chúng ta điều chỉnh đồng hồ sinh học một cách hiệu quả.
Tắt hết đèn trước khi ngủ: Nên để đèn mờ hoặc để tối khi bạn ngủ, nếu đèn trong phòng ngủ quá sáng cũng là nguyên nhân khiến bạn không thể ngủ ngon giấc. Đặc biệt môi trường ngủ tốt nhất nên tối, yên tĩnh, thoải mái và không bị quấy rầy. Trước khi đi ngủ, tốt nhất bạn nên kiểm tra xem có tiếng ồn nào trong phòng ngủ không, chẳng hạn như đối tác của bạn có ngáy không, đèn có sáng quá không,… Bạn có thể mắc rèm dày, chuẩn bị khẩu trang, nút tai, máy tạo độ ẩm, quạt,… để cải thiện môi trường ngủ, đồng thời nhiệt độ phòng ngủ cũng phải phù hợp.
Thư giãn đúng cách trước khi đi ngủ: Xây dựng thói quen thư giãn trước khi đi ngủ, chẳng hạn như tắm nước nóng hoặc đọc sách, nghe nhạc nhẹ…
Hãy đọc sách: Các nhà khoa học từ Đại học Sussex (Anh) đã chỉ ra rằng đọc sách là cách tốt nhất để thư giãn vào buổi tối bởi lúc này bộ não của bạn hoạt động rất tốt. Đọc sách còn giúp bạn tránh dùng điện thoại thông minh hoặc máy tính xách tay - những tác nhân gây nên khó ngủ. Mỗi tối bạn chỉ cần dành 6 phút cho một cuốn sách là đủ để giảm căng thẳng và thư giãn cơ bắp.
Chải tóc: Chải tóc trước khi ngủ giúp tẩy sạch tế bào chết, bụi bẩn và dầu trên da, đồng thời massage nhẹ bằng lược còn thúc đẩy việc cung cấp máu lên não, đảm bảo thư giãn cho buổi tối. Tuy nhiên, bạn không nên chải tóc quá nhiều. Nhà tạo mẫu Sam Burnett đến từ Anh Quốc khẳng định chỉ cần chải tóc 2-3 lần một ngày là đủ, nếu không tóc sẽ trở nên bết dầu và dễ gãy.
Không nên hút thuốc: Trước khi đi ngủ bạn không nên hút thuốc hoặc uống cà phê hoặc uống rượu.
Trúc Chi (t/h theo Phụ Nữ Việt Nam, Lao Động)