"Nghiện" ăn xôi sau lần lâm trọng bệnh
Người dân ở xóm 3, đội 6 xã Tự Nhiên (Thương Tín - Hà Nội) không ai xa lạ gì với cụ ông Nguyễn Văn Sắc. Ở tuổi 79 nhưng cụ vẫn khỏe mạnh, nước da hồng hào, hơn nữa cụ còn là một thợ cắt tóc nổi tiếng ở đầu làng. Điều mà người ta ngạc nhiên nhất ở cụ bởi suốt hơn 20 năm qua, cụ không hề đụng đến cơm tẻ và các thức ăn bình thường. Gặp lúc làng xóm có đám hiếu hỉ, cụ chỉ đến uống nước rồi xin phép về chứ không dám ở lại vì sợ "phải ăn cỗ". Từ năm 1991 cho đến nay, cụ chỉ ăn độc nhất một món là xôi đỗ được nấu từ gạo nếp và bỗng dưng... khỏi bệnh tiểu đường? Nghe chuỵện lạ, chúng tôi tìm về gặp cụ...
Với dáng người mảnh khảnh, bước đi chậm rãi, cụ Sắc ân cần ra đón khách. Tuổi cao nhưng da dẻ cụ hồng hào, miệng lúc nào cũng nói cười. Cụ có 4 người con và nhiều cháu chắt, hiện tại cụ đang sống với con trai cả là Nguyễn Văn Đô, ông chủ sản xuất xưởng mộc ngay tại nhà.
Ngày nào cụ Sắc cũng ăn xôi đỗ nên bữa cơm rất đơn giản.
Thời đôi mươi, cụ Sắc là một anh lính bộ đội cụ Hồ tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Ninh. Trong một trận chiến giáp lá cà với địch ở Củ Chi - Bến Dược, người lính trẻ ấy bị thương và giải ngũ năm 1974. Trở về quê hương, cụ tham gia hoạt động trong hợp tác xã, sau đó làm thư ký đội và lấy vợ sinh được 4 người con.
Ngoài công việc đồng áng, cụ Sắc còn là một thợ cắt tóc cừ khôi của làng. Cũng nhờ nghề cắt tóc mà cả 4 người con của cụ đều được ăn học đến nơi đến chốn. Mấy chục năm bám nghề mưu sinh đến khi những người con trưởng thành, có nhà cửa đàng hoàng, cháu nội cháu ngoại đông đúc, cụ Sắc mới bỏ công việc cắt tóc để ở nhà trông cháu cho các con làm ăn.
Từ khi nghỉ nghề cắt tóc cũng là lúc cụ mang trong mình căn bệnh tiểu đường. Căn bệnh đánh dấu một sự thay đổi kỳ lạ trong chính con người cụ, không những thế nó còn làm cho cuộc sống sinh hoạt của gia đình hoàn toàn bị đảo lộn. Mặc dù cụ được gia đình đưa đi chữa trị tại nhiều bệnh viện lớn, nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Ngược lại những lần nằm viện sức khỏe của cụ ngày càng yếu hơn nên cụ liên tục đòi ra viện. Chiều lòng bố, các con cụ không ai dám phản đối và đành phải đưa cụ về nhà.
Do có bệnh trong người nên việc ăn uống của cụ phải kiêng khem từng tí một. Đến bữa, phải vất vả lắm cụ mới cố được nửa bát cơm để cho con cháu vui lòng. Đặc biệt từ khi bị bệnh, cụ không bao giờ ăn thịt, nhiều hôm cụ tránh bữa, bỏ ăn vì chỉ cần nhìn thấy cơm là có cảm giác buồn nôn, khó chịu trong người. Một lần, trong làng có người tổ chức đám cưới, cụ tới dự nhưng khi ăn uống cụ không hề đả động đến bất kỳ một món nào mà chỉ ăn duy nhất một món xôi được nấu bằng gạo nếp. Từ đó trở đi cụ nghiện món xôi nếp lúc nào không hay.
Chị Vũ Thị Biển: "Bố chồng tôi có thể ăn cơm nếp quanh năm mà không hề chán".
Từ khi cụ bà mất, một mình cụ Sắc vẫn tự chăm lo cho sinh hoạt của mình. Mỗi khi đến bữa, cụ tự tay vào bếp nấu cơm nếp và chủ động ăn uống một mình để đỡ ảnh hưởng đến thói quen sinh hoạt của con cháu. Thấy cụ ăn cơm nếp liên tục nên gia đình từ chỗ lo lắng đến phản đối. "Thời gian đầu cứ nghĩ ông cụ không hợp khẩu vị nên tôi thường thay đổi món ăn liên tục, nấu những loại thức ăn mềm dễ ăn nhưng cụ vẫn không động đũa", chị Vũ Thị Biển, con dâu của cụ cho biết.
Anh Nguyễn Văn Đô, con trai trưởng cho hay: "Trước đây, cụ là người khỏe mạnh nhưng từ khi bị bệnh cụ trở nên hom hem, gầy yếu. Bữa đến cụ chỉ ăn được vài thìa cơm, mấy cọng rau, ngoài ra thịt và các loại thức ăn khác cụ không hề động đũa nên người cứ teo tóp dần. Nhưng từ khi chuyển sang ăn cơm nếp thì lại thấy cụ hồng hào hẳn ra nên gia đình để cho cụ được ăn uống theo ý thích".
Kể từ ngày ăn cơm nếp mà cụ Sắc không còn cảm giác đau và buồn nôn. Cụ lý giải vì trong gạo nếp có vị dẻo và thơm, khi nấu lên sẽ mềm nên rất dễ ăn. "Không biết có phải gạo nếp có tác dụng chữa bệnh tiểu đường hay không nhưng kể từ khi tôi chỉ ăn cơm nếp thì không còn cảm giác đau đớn, mệt mỏi. Tôi ăn cơm nếp không cảm thấy ngán mà ngược lại thấy bữa ăn ngày càng ngon miệng hơn. Từ lâu rồi, tôi cũng không đi kiểm tra bệnh tiểu đường nữa vì rất sợ đến bệnh viện. Tôi tự thấy mình đã khoẻ", cụ Sắc nói. Chính vì thế, trong nhà cụ có rất nhiều gạo nếp con cháu mua biếu để cụ nấu ăn dần vì biết cụ sợ đi ăn cơm khách!
Việc cụ Sắc ăn cơm nếp liên tục trong khoảng thời gian hơn 20 năm khiến nhiều người bán tín bán nghi và coi đó là một chuyện lạ lẫm ở một vùng quê. Bởi thực tế, gạo nếp có nhiều tinh bột và chất béo nên chỉ có thể ăn được một thời gian ngắn là rất nhanh chán vậy mà cụ Sắc có thâm niên hơn 20 năm chỉ ăn duy nhất thứ cơm nếp này.
Cơm nếp, món ăn duy nhất mà cụ Sắc vẫn dùng hàng ngày.
Bữa ăn hàng ngày của cụ thật đơn giản, chỉ vỏn vẹn một chiếc mâm nhỏ, một chiếc nồi xôi đỗ chỉ bằng xoong quấy bột của trẻ con, một chiếc bát dùng để đơm xôi. Cụ bảo bữa nào cũng ăn như vậy, vừa chắc dạ, không hại dạ dày mà lại ngon miệng. Cứ như vậy, cụ duy trì suốt 20 năm qua chỉ với món gạo nếp và xôi đỗ, nếu thay đổi khẩu vị y như rằng cụ lại bỏ bữa không chịu ăn.
Việc cụ chuyển sang ăn cơm nếp khiến cho bản thân những người con trong gia đình cũng đi từ hết bất ngờ này đến ngạc nhiên khác. Chị Biển cho hay: "Thời gian đầu cứ tưởng cụ có vấn đề gì nên xa lánh con cháu. Trong bữa ăn tuyệt nhiên không thấy cụ động đũa mà chỉ ăn duy nhất món xôi đỗ, các thứ khác cụ cứ dửng dưng như không mặc cho con cháu mời mọc mãi".
Chị Biển cho hay cũng chỉ vì sự thay đổi bất thường của cụ mà nhiều khi xảy ra xích mích giữa hai bố con về chuyện ăn uống. Chị bảo, nhà không phải là không có điều kiện, không ai muốn thế nhưng tính ông cụ như vậy nên mình cũng phải chiều. Khổ nỗi mỗi khi có khách đến chơi, nhìn thấy cụ một nồi với bát cơm nếp, ban đầu nhiều người cũng lời qua tiếng lại. Các con và mọi người góp ý thì cụ bực mình nằm một chỗ và không ăn bất cứ một thứ gì khác nếu như không có cơm nếp khiến cho cả nhà ai nấy đều lo lắng. Mãi sau này mọi người mới hiểu là cụ ăn kiêng vì không muốn ảnh hưởng đến bữa ăn của cả nhà.
Chính vì thói quen ăn cơm nếp mà cụ Sắc không bao giờ đi ăn cỗ ở bất cứ đâu. Có những đám cưới hay công việc trong làng thì cụ đều từ chối hết vì một lý do rất đơn giản không thể ăn được những thứ đó. Nhiều đám quan trọng không bỏ được nên cụ đến uống nước, nói chuyện rồi về chứ không dám ở lại ăn uống mặc cho nhiều người năn nỉ giữ lại. Về sau, người dân làng ai cũng biết cụ không ăn được thức ăn khác ngoài xôi nên cũng chiều lòng cụ.
Hai mươi năm không dám đi ăn cỗ Cụ Đỗ Văn Hùng, 73 tuổi, hàng xóm của cụ Sắc nói: "Chuyện cụ Sắc không ăn cơm tẻ nhiều năm nay chúng tôi đều biết. Từ hồi mắc bệnh, cụ ấy sợ cơm tẻ và thức ăn, ít thấy đi đám tiệc. Đến nhà ai thấy mời ăn uống là cụ kiếm cớ trốn về ngay. Cụ Sắc chỉ ăn duy nhất món xôi nhưng lại rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Việc đồng ruộng hay việc nhà cụ ấy vẫn lo toan chẳng kém gì ai. Anh cứ nhìn thì biết đấy, cụ Sắc hơn tôi gần chục tuổi nhưng nhìn lại trẻ khỏe, da dẻ hồng hào hơn". Cụ Nguyễn Văn Sắc tâm sự: "Sở dĩ tôi từ chối tất cả các đám tiệc hiếu, hỉ vì bản thân không ăn được những đồ đó, chỉ cần ngửi là có cảm giác ngán và sợ ăn. Ngồi cùng một mâm cỗ, nếu mình không động đũa thì ngại, người khác cùng mâm cũng mất thoải mái. Chính vì thế hơn hai mươi năm nay, tôi không đến ăn cỗ nhà nào. Còn riêng xôi thì ngày tôi ăn 4 bữa mà không thấy chán". |
Cao Tuân