Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học, bộ GD&ĐT cho hay, đến thời điểm ngày 18/7, cả nước có 20% số thí sinh đạt điểm từ 15,5 thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đợt một. Phần lớn thí sinh giữ nguyên số lượng nguyện vọng, số còn lại điều chỉnh tăng, ít thí sinh rút bớt nguyện vọng. Vì vậy, phương pháp thay đổi nguyện vọng của các em chủ yếu được thực hiện trực tuyến.
Có thể nhận thấy, một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều thí sinh thay đổi nguyện vọng như vậy là do điểm chuẩn đầu vào của nhiều trường top trên đã hạ đến mức chạm sàn. Đơn cử như trường ĐH Luật Hà Nội, ĐH Hà Nội, học viện Ngân Hàng… mức điểm chuẩn nhận hồ sơ đều là 15,5 điểm.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hồng Soa – Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp (đại học Vinh) cho biết: “Năm nay, các trường rất khó để nắm được số lượng thí sinh nộp hồ sơ vào trường, hiện thí sinh đang điều chỉnh hồ sơ. Có một thực tế là các trường top trên đang giảm điểm nhận hồ sơ xuống rất thấp, nếu các cháu không cân nhắc kỹ điều này và so sánh với mọi năm thì rất có khả năng “sập bẫy””.Em Bùi Thị Lan (Thái Nguyên) cho biết: “Nguyện vọng ban đầu em đăng ký là khoa Kế Toán, ĐH Công Nghiệp Hà Nội. Tuy nhiên, thấy trường HV Ngân Hàng thông báo hạ điểm nhận hồ sơ xuống còn 15,5 nên em quyết định điều chỉnh nguyện vọng của mình”. Tương tự như em Lan, em Thanh Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, với số điểm 22, em đã điều chỉnh nguyện vọng từ ĐH Kinh tế Quốc dân sang ĐH Hà Nội khi thấy trường này có điểm nhận hồ sơ là 15,5 điểm.
TS. Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học, bộ GD&ĐT nhận định: “Việc các trường đồng loạt hạ điểm chuẩn không chỉ ảnh hưởng đến thí sinh dễ “sập bẫy” mà còn dễ dẫn tới tình trạng “trường ăn không hết, trường lần chẳng ra".
Tôi nghĩ Bộ phải áp dụng một loạt các chính sách như: Xây dựng đề thi tiêu chuẩn thực sự, phổ điểm các môn thi phân hóa chuẩn để đảm bảo kết quả tin cậy. Khâu quản lý giám sát thi tại các địa phương phải chặt chẽ hơn bằng cách tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cũng như sự giám sát xã hội, đặc biệt là báo chí”.
Theo quy định, năm 2017, các trường không được phép hạ điểm chuẩn như năm 2016 và thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng một lần duy nhất. Do đó, năm nay, nếu thí sinh chưa nắm được thông tin xét tuyển các ngành của các trường để thay đổi nguyện vọng thì nên tham khảo trong đề án tuyển sinh được công bố trên website tuyển sinh của bộ GD&ĐT hoặc của từng trường.
Thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn các ngành ở các trường những năm trước, so sánh điểm của mình với mặt bằng chung của tổ hợp môn và nên chọn tổ hợp môn có điểm cao nhất (không nhất thiết phải theo tổ hợp môn truyền thống); lưu ý thêm tiêu chí phụ của các ngành để quyết định chọn ngành và trường cho phù hợp.
Trao đổi với PV, Thứ trưởng bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga gửi lời khuyên: “Các em thí sinh cần cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định điều chỉnh nguyện vọng. Vì đối với những trường nhóm đầu, số điểm trúng tuyển năm nay sẽ nhích lên do kỳ thi năm 2017 có nhiều em đạt điểm cao. Còn các trường nhóm giữa và nhóm dưới, dự báo điểm chuẩn không chênh lệch so với năm 2016. Nếu thí sinh muốn thay đổi nguyện vọng, phải nghiên cứu đề án tuyển sinh của các trường và xem xét kỹ 2 năm trước điểm trúng tuyển ra sao để đưa ra quyết định đúng đắn nhất”.
Công Luân