Oằn lưng "cõng" nợ ngân hàng?!
Trong lần phát biểu với báo giới gần đây nhất, TS. Trần Du Lịch, ủy viên ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định: "Với tổng dư nợ tín dụng hiện nay là 2,7 triệu tỷ đồng, lãi suất 15%/năm thì doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế phải trả lãi cho ngân hàng gần 20 tỷ USD, tương đương 1/6 GDP...".
Đáng nói, con số tính toán được đưa ra trong hoàn cảnh hàng loạt các doanh nghiệp lên tiếng về sự ì ạch trong việc giảm lãi suất của ngành ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho họ hiện nay. Nhiều doanh nghiệp còn bức xúc "tố" ngân hàng đang áp cho họ mức lãi suất lên đến 15% - 16%, mặc cho Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước liên tục đưa ra "kế sách" nhằm hạ nhiệt mức lãi suất đang "bóp nghẹn" các doanh nghiệp trong thời gian qua. Trong khi đó, nghịch lý rõ nhất là mức lãi suất huy động đã giảm nhiều % trong gần một năm qua, nhưng mức lãi suất cho vay vẫn "bình chân như vại".
Ông Trần Phương, Giám đốc Siêu thị Tiện Lợi Mart cho biết: "Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã đưa mức lãi suất huy động xuống còn 8%, với mức lãi suất này, doanh nghiệp thấp thỏm hy vọng các ngân hàng sẽ cho vay ra ở mức 11-12% nhưng điều này chưa xảy ra. Lãi vay còn cao khiến doanh nghiệp vẫn không dám vay vốn, vì vay vốn lãi suất cao kinh doanh không đem lại hiệu quả. Các doanh nghiệp cho rằng lãi vay phải từ 10% trở xuống thì hoạt động sản xuất kinh doanh mới có hiệu quả".
Tuy nhiên, ông chủ các doanh nghiệp cũng phải thừa nhận để được vay mức 11%-12% với họ hiện nay là điều không thể. "Doanh nghiệp đã tiếp cận nhiều ngân hàng, khi chào mời thì lãi suất khá hấp dẫn nhưng đến khi vào vay thì các điều kiện soi xét rất kỹ, lãi suất theo đó cũng được nâng lên. Việc tiếp cận vốn vẫn khó, mức lãi suất 12% như công bố của một số ngân hàng vẫn là điều mơ ước", ông Phương cho hay.
Khoản tiền "ăn" ra của các ngân hàng đang rất cần được minh bạch (Ảnh minh họa)
Đại diện một doanh nghiệp băng khoăn: Lãi suất vẫn còn cao cộng với sức mua yếu nên nhiều doanh nghiệp không mặn với việc đi vay vốn để kinh doanh. Nhìn ra các nước phát triển như Mỹ, châu Âu,... thì lãi suất cho vay cao nhất của họ chỉ ở mức 5 - 6%/năm, còn đa số chỉ ở mức 2 - 3%/năm.
Trong khi đó, lãi suất cho vay ở Việt Nam nhảy vọt, phổ biến mức 14 - 15%/năm thì doanh nghiệp khó cạnh tranh nổi. Chi phí đầu vào liên tục tăng cao, đầu ra không tăng giá bán được, cộng với việc phải đối phó với hàng gian hàng lậu khiến doanh nghiệp ngày càng khó khăn.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin về nghịch lý này, TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định: "Khoảng cách giữa lãi suất huy động và cho vay còn quá xa, người gửi tiền đã chấp nhận chịu thiệt vì trần huy động giảm nhưng lãi vay thì vẫn cao. Nguyên nhân của tình trạng này do một số ngân hàng lách trần huy động lãi suất tiền gửi khiến cho chi phí tăng.
Các ngân hàng yếu không có tài sản thế chấp, không đủ hệ số tín nhiệm để được vay trên thị trường liên ngân hàng nên chỉ còn cách trông vào thị trường tiền gửi dân cư để huy động vốn. Nếu không làm lành mạnh thị trường, xử lý ngay các ngân hàng lách trần, đây sẽ là nguyên nhân khiến lãi suất cho vay còn cao, không hạ như ý muốn".
Ai hưởng lợi?
Quay trở lại với con số 20 tỷ USD/năm mà nền kinh tế Việt Nam đang phải trả lãi ngân hàng được TS. Trần Du Lịch đưa ra, làm dư luận đã "nóng" bởi nhiều ý kiến khác nhau. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước chưa có ý kiến chính thức về con số trên, về cách lý giải của TS. Trần Du Lịch. Thế nhưng, nhiều chuyên gia đã rất "khó chịu", đặt câu hỏi, "ai hưởng lợi" số tiền lãi từ nền kinh tế đó?
Theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương thì, đây là con số chưa nói hết thực trạng đầu ra, đầu vào nguồn vốn của các ngân hàng. Nên nhớ, các ngân hàng còn phải trích lập dự phòng rủi ro và khoản trả lãi huy động. Tuy nhiên, TS. Thành cũng nhận định: "Hàm ý của ý kiến này là muốn lưu ý đến việc sử dụng nguồn lực sao cho có hiệu quả trong khi doanh nghiệp vẫn đang rất khó khăn".
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, TS. Nguyễn Đại Lai, nguyên Phó vụ trưởng vụ Chiến lược phát triển (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng: Bây giờ chưa cần bàn đến 10 tỷ hay 20 tỷ USD, mà phải tìm ra bản chất hệ thống ngân hàng chúng ta đang có vấn đề gì. Bất cập lớn nhất trong vai trò "tổ chức cuộc chơi" của Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng chính là gì?
Thực tế, trên thị truờng dịch vụ ngân hàng hiện nay, chỉ bằng những quan sát thông thường cũng nhìn thấy rõ hiện tượng "trọng tài" có vấn đề: Việc cạnh tranh ở cả hai đầu của hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng đều còn nhiều hoạt động phải diễn ra trong điều kiện bị chặn bằng các mệnh lệnh hành chính như trần huy động, đối tượng ưu tiên, tín dụng chỉ định, các loại lãi suất chính sách, hạn mức tín dụng theo nhóm khiến nguồn vốn và cầu tín dụng trong xã hội chỉ chảy về ngân hàng lớn. Vô hình trung đẩy nhiều ngân hàng phi sở hữu Nhà nước vào tình thế đói vốn, kéo theo đói thanh khoản, tìm cách lách lệnh (chứ không phải lách luật) biến tướng dưới rất nhiều biểu hiện tiêu cực.
Tuy nhiên, khi được hỏi, nhiều chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định, Ngân hàng Nhà nước phải chính thức lên tiếng về việc này, bởi đây chính là việc làm minh bạch vấn đề tài chính ở các ngân hàng hiện nay, làm được việc này ắt sẽ nhận rõ bản chất lãi suất cho vay vì sao chưa được hạ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã được Chính phủ giao cho trách nhiệm chính với lạm phát, sẽ không dễ dàng hỗ trợ thanh khoản để các ngân hàng chấm dứt “chiêu” thỏa thuận cho những khoản gửi tiền năm một, thậm chí, cho những khoản tiền gửi vài ba tháng nhưng giá trị món tiền lớn, khách VIP, người quen... Mọi cái giá ưu đãi của ngân hàng cho người gửi tiền đều đang đổ gánh nặng ngược lại lên các doanh nghiệp và chính cả những người đã có tiền đi gửi do nền kinh tế trì trệ, lãi suất cao bào mòn khả năng hồi phục và tăng trưởng của nền kinh tế.
"Kỳ vọng lãi suất cơ bản sẽ không phải là điều các doanh nghiệp quan tâm nữa. Thậm chí, lãi suất cơ bản có thể giảm nhiều hơn cũng không phải là điều các doanh nghiệp quan tâm. Ngành ngân hàng phải làm gì để dư nợ hệ thống tăng lên, trên con số 2,7 triệu tỷ đồng nhiều lần, nhưng lãi mà họ thu về có thể hạ thấp xuống dưới con số 20 tỷ USD và lợi nhuận thuần lại có thể cho một tỉ trọng tốt hơn trong tương quan GDP của toàn nền kinh tế? Đây có thể cũng là thách đố mà lời giải liệu sẽ lại... bất khả thi", TS. Nguyễn Đại Lai nhận định.
20, 13 hay 11 tỷ USD? Phân tích sâu hơn, chuyên gia ngân hàng Phạm Xuân Hòe cho rằng, trong thống kê kinh tế hoặc toán xác suất dành cho kinh tế, cần phải tính toán theo phương pháp bình quân giá quyền, chứ không phải là số học đơn thuần. Nếu tính toán trên cơ cấu dư nợ theo mức lãi suất cho vay với dư nợ 2,7 triệu tỷ đồng, thì tổng số lãi tính theo phương pháp gia truyền mà khách hàng trả cho tổ chức tín dụng sẽ là 260,556 ngàn tỷ đồng, tương đương 13 tỷ USD, không phải 20 tỷ USD. Ngay cả con số này, trên thực tế doanh thu tín dụng của hệ thống ngân hàng sẽ không đạt được như vậy, mà phải trừ tiếp đi số dư nợ được xếp nhóm nợ xấu. Cũng theo ông Hòe, số lãi mà nền kinh tế trả cho ngân hàng còn phải trừ thêm các khoản: Trước hết, ngân hàng phải trả cho người gửi tiền với các mức lãi suất trung bình khoảng 8,5%/năm. Ngoài ra là khoản chi phí hoạt động, lương của nhân viên với con số không hề nhỏ. Để có nguồn vốn cân đối cho vay ra được 2,7 triệu tỷ đồng thì tổ chức tín dụng cũng phải huy động nguồn vốn tương ứng và tính ra phải trả lãi cho người gửi tiền với mức lãi suất bình quân 8,5% sẽ là 229,5 ngàn tỷ đồng, tương đương 11 tỷ USD. |
Vương Trần