Trong những tin tức ấn tượng được quan tâm nhất tuần qua, phải kể đến Báo cáo Thịnh vượng 2017 (Wealth Report) vừa được Knight Frank công bố. Theo đó, Việt Nam có 200 người siêu giàu (sở hữu từ 30 triệu USD trở lên) trong năm 2016, tăng 30 người so với năm trước.
Cũng theo công bố này, dự báo trong một thập kỷ tới, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh nhất thế giới với 170%, lên 540 người. Theo sau là Ấn Độ với 150% và Trung Quốc là 140%.
“Siêu giàu” theo tiêu chí của Knight Frank là sở hữu tài sản từ 30 triệu USD (hơn 680 tỷ đồng) trở lên. Báo cáo này cũng ghi nhận Việt Nam hiện có một tỷ phú đôla. Con số này sẽ tăng lên 3 người vào năm 2026.
Không chỉ ra một cái tên cụ thể nào trong 200 người siêu giàu, thế nhưng đối chiếu tài sản niêm yết trên sàn chứng khoán, hiện “câu lạc bộ siêu giàu” có khoảng 25-30 người.
Dẫn đầu là ông Trịnh Văn Quyết với khối tài sản nắm trong tay gồm 2 cổ phiếu FLC và ROS trị giá 44.695 tỷ đồng. Chỉ trong vòng 2 tháng, khi chỉ số VN-Index tăng 40 điểm lên mức 712,6 điểm thì tài sản của ông Quyết tăng thêm hơn 10.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nắm giữ 27,45% cổ phiếu VIC, ông Phạm Nhật Vượng đang có tài sản trị giá hơn 32.216 tỷ đồng.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng từng khẳng định: “Việt Nam quyết tâm xây dựng thị trường chứng khoán đến năm 2020 có mức độ vốn hóa thị trường đạt khoảng 70% GDP, gấp đôi mức hiện nay”. Trong xu thế tái cơ cấu thị trường chứng khoán với nhiều giải pháp mạnh mẽ như vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, người Việt Nam giàu nổi lên ở lĩnh vực chứng khoán, bất động sản là hết sức bình thường.
“Muốn giàu về sản xuất công nghiệp, công nghệ cần có độ dài phát triển hàng trăm năm. Còn ở Việt Nam, tính từ khi mở cửa nền kinh tế thị trường (năm 1986) đến nay vừa tròn 30 năm, chưa thể đòi hỏi điều này. Mục tiêu phát triển đất nước là dân giàu, nước mạnh. Do đó, chúng ta khuyến khích người làm giàu từ công nghệ, khoa học kỹ thuật... nhưng việc đa phần người giàu ở lĩnh vực bất động sản cũng là điều không quá khó hiểu. Không nên phân biệt, ai làm giàu cũng cần được ủng hộ, miễn là không vi phạm pháp luật”, một vị chuyên gia giấu tên đưa ra quan điểm.
Trái ngược với quan điểm nêu trên, ông Nguyễn Ngọc Bảo (ĐBQH khóa XIII) cho rằng, so với một đất nước có gần 92 triệu dân, con số 200 người siêu giàu “quá ít, không đáng bàn”. Mức độ siêu giàu đa số dựa vào thị trường, không phải phát triển một cách bền vững. Ở những nước phát triển, điều này đã từng có nhiều năm trước. Nhưng hiện nay, họ đã bước sang giai đoạn phát triển bền vững, giàu lên từ công nghệ thông tin, phát triển khoa học kỹ thuật...
“Cứ cho là Việt Nam thuộc top những nước có tỉ lệ giàu nhanh ở những năm tới, nhưng giàu như thế nào và giàu ở mức độ nào là điều cần phải quan tâm. Tôi nghĩ đây là một đánh giá không thực chất. Người giàu đi lên từ thực lực để phát triển bền vững chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, đừng lấy con số 200 làm điều khích lệ, đáng tự hào”, ông Bảo nói.
Cũng theo nhận định của vị nguyên Ủy viên thường trực ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIII, đất nước muốn phát triển bền vững cần chú ý lấy kinh tế tư nhân làm động lực phát triển. Muốn vậy đương nhiên phải có một quãng dài. Việt Nam vẫn luôn có cơ hội để phát triển như thế vì còn nhiều tiềm năng ở các lĩnh vực như: công nghệ, du lịch, thủy sản, khoa học kỹ thuật... Còn cách làm là do mỗi người.
“Muốn làm gì cũng phải trên nền tảng là công nghệ hiện đại. Nếu không, sự phát triển không bền. Tôi không thấy cảm động gì chuyện Việt Nam sẽ dẫn đầu về tốc độ tăng người siêu giàu, nghe nó rất phù phiếm. Cần có cái nhìn tổng thể, thẳng thắn vào nền kinh tế (ví dụ như tốc độ tăng trưởng GDP là con số biết nói), không nên nhìn vào những con số ước tính người siêu giàu để rồi ảo tưởng”, ông Bảo nhấn mạnh.
Cùng chung những lo ngại về sự phát triển thiếu bền vững, chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng viện Quản lý Kinh tế Trung ương, đưa ý kiến: “Ở Việt Nam hiện nay, số người giàu, siêu giàu tăng lên rất nhanh nhưng thường không có nhiều đóng góp cho tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, cho sự phát triển chung của đất nước.
Họ chủ yếu giàu lên nhờ chứng khoán, bất động sản, không loại trừ có cả những người giàu lên nhờ vào giới quyền lực. Đây là một thách thức lớn. Tôi nghĩ, các cơ quan chức năng cần sự quan tâm thích đáng, xem xét mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có gì thành công, chưa thành công, vì sao?”.
Phân tích thêm về con số 200 người siêu giàu, TS. Lê Đăng Doanh nói: “Một nền kinh tế không thể chỉ phát triển bằng bất động sản, chứng khoán, mặc dù đây là những điều cần thiết cho sự phát triển. Bất động sản gắn liền với đô thị hóa. Sự phát triển này kéo theo những hệ lụy như gia tăng dân số đô thị, tắc đường...
Do đó, 200 người siêu giàu là điều cần phải suy nghĩ. Phát triển bất động sản là cần thiết nhưng cần chú ý gắn liền với phúc lợi xã hội, chia sẻ lợi ích của tiến bộ xã hội, lợi ích kinh tế với mọi người dân”.
Dương Thu