Người siêu giàu Việt Nam đang ở con số 200 người và có xu hướng tăng nhanh trong một thập kỷ tới. Đó là những thông tin trong Báo cáo Thịnh vượng 2017 (Wealth Report) vừa được Knight Frank công bố.
Không công bố danh sách cụ thể, nhưng đối chiếu tài sản niêm yết trên sàn chứng khoán, hiện “câu lạc bộ siêu giàu” có khoảng 25-30 người. Trong số những người này thì đa phần là người giàu nổi lên ở lĩnh vực bất động sản. Điều này đang khiến dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ĐBQH khóa XIII xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, theo Báo cáo Thịnh vượng 2017 (Wealth Report) vừa được Knight Frank công bố, Việt Nam có 200 người siêu giàu (sở hữu từ 30 triệu USD trở lên) trong năm 2016, tăng 30 người so với năm trước. Thời gian tới, Việt Nam cũng được dự báo là quốc gia có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh nhất thế giới với 170%, lên 540 người. Ông có bình luận như thế nào trước thông tin này?
Số người siêu giàu tăng lên phản ánh đúng tình hình xã hội hiện nay. Sau một thời gian thực hiện chính sách đổi mới, Chính phủ đưa ra một loạt giải pháp tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; quá trình sửa đổi, bổ sung luật…, nền kinh tế đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Bởi thế mà người giàu có xu hướng gia tăng.
Tuy nhiên, biểu hiện người giàu tăng lên ở Việt Nam khác với các nước trên thế giới. Ở nhiều nước hiện đại, phát triển, người giàu tăng lên đúng thực chất và bền vững do sản xuất kinh doanh và phát triển năng lực của cá nhân là chủ yếu. Còn ở Việt Nam, ngoài một số người giàu lên từ năng lực cá nhân, có điều kiện kinh doanh, đa số tập trung ở những lĩnh vực do thị trường tạo nên. Ví dụ như: bất động sản, chứng khoán - những lĩnh vực có tính chất đầu cơ, rủi ro cao.
Tôi nghĩ rằng, luật pháp còn những kẽ hở, cách quản lý thiếu chặt chẽ là một trong những nguyên nhân khiến những người thuộc các lĩnh vực kể trên giàu nhanh hơn. Đáng lưu ý có yếu tố đầu cơ trục lợi, dựa trên quyền lợi cá nhân, lợi ích nhóm tạo nên sự giàu không bền vững. Do đó, với báo cáo này, tôi nghĩ khuynh hướng có thể đúng nhưng phân tích về chất lượng thực chất thì có vấn đề.
Làm thế nào để phát triển bền vững là điều mà dư luận xã hội rất quan tâm, mong muốn. Ông có ý kiến như thế nào?
Muốn phát triển bền vững, có được những người giàu bền vững cần tổng kết, khuyến khích, nâng đỡ, tạo điều kiện. Nhưng với những chỗ sơ hở, lợi dụng chính sách hoặc biểu hiện trình độ thấp trong cạnh tranh cần khắc phục ngay.
Những người giàu cần có đóng góp thực sự cho đất nước, cho xã hội kể cả công sức, tài chính; không phải lợi dụng thời cơ, sơ hở của chính sách để thu lợi cá nhân một cách không chính đáng, thiếu công bằng, tạo ra tiền lệ cạnh tranh không lành mạnh.
Vậy, ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của giới "siêu giàu" cho sự phát triển chung của đất nước hiện nay?
Tôi thấy đáng buồn vì nhìn những người giàu Việt Nam, ít có người đi lên về khoa học kỹ thuật, phát triển công nghệ cao, kinh doanh... Nguyên nhân có thể từ phía thị trường, có những kẽ hở như tôi đã nói. Hoặc sức hút từ nhân lực, vật lực, tài lực vào lĩnh vực bền vững như sản xuất kinh doanh, khoa học công nghệ… chưa đủ.
Tất nhiên, nhiều người giàu, đất nước giàu lên là đáng mừng. Nhưng thực chất sự giàu ấy như thế nào, nguyên nhân ra sao thì cần phân tích kỹ để cân đối giữa việc phát huy hoặc là uốn nắn.
Với báo cáo này, tôi nghĩ các cơ quan chức năng như: bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan pháp luật, cơ quan quyết định chính sách kinh tế từ Trung ương đến địa phương cần nghiên cứu. Bởi rất cần giữ cho nền kinh tế thị trường được công bằng, công khai minh bạch để có sự phát triển bền vững.
Những người siêu giàu, đóng góp cho xã hội, đất nước, nếu làm đúng pháp luật, công khai, minh bạch thì đáng khuyến khích, hoan nghênh?
Đúng như vậy. Chúng ta khuyến khích, hoan nghênh người làm giàu chân chính, giàu lên bằng thực lực bản thân. Còn những người giàu lên nhưng lợi dụng hoặc khai báo không chính xác là điều lo ngại. Cần có sự chọn lọc chứ không phải thấy nhiều tiền, nhiều của hoặc khai báo tài sản giàu lên như thế mà đã vội vui mừng.
Với sự giàu bất thường, do “ăn cánh”, thông đồng, bòn rút ngân sách Nhà nước, trốn tránh pháp luật, trốn thuế… phải phát hiện kịp thời, loại bỏ. Nếu không, chính những người giàu sẽ bị ảnh hưởng. Đó là mặt trái của xã hội, là phá hoại đất nước, không phải điều tốt.
Người giàu đa phần thuộc lĩnh vực bất động sản không chắc tốt. Vì bất động sản đi kèm với rủi ro phá sản, mất nghiệp. Ví dụ như mấy năm trước, bất động sản "đóng băng", sau đó có sự đầu cơ và xuất hiện người giàu lên rất nhanh. Việc nhanh lên, nhanh sụt cũng khiến kinh tế đất nước trì trệ. Đó là mặt trái cần cảnh giác.
Tôi kỳ vọng sẽ có thêm những người giàu lên ở lĩnh vực khoa học kỹ thuật, bởi chúng ta đang hướng mạnh đến phát triển lĩnh vực này.
Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Dương Thu (thực hiện)