Báo cáo tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội với các quận, huyện sáng ngày 21/5, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc sở Y yế Hà Nội cho biết, tính đến ngày 21/5 Hà Nội ghi nhận tổng cộng 97 trường hợp mắc Covid-19 liên quan đến 4 chùm ca bệnh, thành phố Đà Nẵng, bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Hưng Yên, Bắc Ninh. Toàn thành phố hiện còn 44 điểm phong tỏa với 24.436 người. Việc phong tỏa được thực hiện linh hoạt, phong tỏa rộng để xét nghiệm sàng lọc đánh giá nguy cơ, sau đó thu hẹp quy mô phù hợp với tình hình thực tế nhưng kiểm soát chặt chẽ khu vực phong tỏa.
Theo Phó Giám đốc sở Y tế Hà Nội, tính đến nay chùm ca bệnh liên quan đến thành phố Đà Nẵng đã có 34 F1 chuyển thành F0. Cụ thể, liên quan đến BN 3092 có 14 F1 và có 549 F2, trong đó có 12 F1 đã chuyển thành F0, tuy nhiên phân nhánh này từ ngày 12/5 không ghi nhận thêm ca mắc Covid-19. Liên quan đến BN 3634 thì có 18 F0 và 338 F1, từ ngày 18/5 đến nay ghi nhận 9 ca mắc trong đó có F1 chuyển thành F0. Tiếp theo liên quan đến BN 3777 có 6 F0 và 52 F1 trong đó, có 5 F1 chuyển thành F0.
Đối với chùm ca bệnh tại bệnh viện K cơ sở Tân Triều có tổng 86 F0 trong đó, phát hiện trong bệnh viện là 77 F0 và phát hiện ngoài cộng đồng là 9 F0. Đây được đánh giá vẫn có nguy cơ cao khi từ 17/5 đến nay ghi nhận thêm 5 ca mắc Covid-19. Chùm ca bệnh liên quan đến Hưng Yên, sở Y tế Hà Nội thông tin có tổng cộng 6 F0 và 53 F1 trong đó, có 1 F1 đã chuyển thành F0. Riêng với chùm ca bệnh liên quan đến Bắc Ninh có 16 F0 và 220 F1 trong đó có 8 F1 đã chuyển thành F0, ngày 20/5 có ghi nhận thêm 1 ca mắc Covid-19.
Phó Giám đốc sở Y tế nhận định, Hà Nội hiện đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Cụ thể như các chùm ca bệnh liên quan đến Hà Nam, Vĩnh Phúc và liên quan đến ca bệnh người Ấn Độ từ ngày 7/5 đến nay không ghi nhận thêm trường hợp nào. Riêng tại ổ dịch BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 có tổng cộng 106 F0 từ ngày 15/5 đến nay không ghi nhận thêm ca mắc mới.
Tuy nhiên, nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn ở mức rất cao. Theo kết quả giải trình tự gene xác định chủng virus gây bệnh tại Hà Nội là biến thể kép ở Ấn Độ. Đây là biến thể nguy hiểm có khả năng lây lan nhanh chóng. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh tại các tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, tốc độ lây nhiễm nhanh, số ca mắc mới tăng cao đặc biệt tại các nhà máy trong khu công nghiệp. Trong khi đó có nhiều công nhân làm việc tại đây nhưng cư trú trên địa bàn Hà Nội. Đây là nguồn nguy cơ cao đối với Hà Nội.
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện ban quản lý các KCN và CX cho biết, đã phối hợp với các KCN lân cận tăng cường phối hợp phòng, chống dịch. KCN tại Hà Nội cùng với KCN Bắc Ninh hiện nay tạm dừng nhận người lao động đến từ các KCN ở Bắc Giang. Bên cạnh đó KCN Hà Nội đã yêu cầu các doanh nghiệp rà soát các biện pháp phòng chống dịch tại đơn vị, yêu cầu người lao động ký cam kết với chủ sử dụng lao động hết giờ làm phải về luôn. Doanh nghiệp cam kết phải chịu trách nhiệm hoàn toàn khi để xảy ra các trường hợp mắc Covid-19 tại đơn vị. Đồng thời các doanh nghiệp phải thường xuyên thực hiện công tác đánh giá, tuyên truyền cho người lao động, phân luồng cách ly y tế tại nơi làm việc…
Hiện nay, ban quản lý các KCN&CX đã thành lập 9 tổ công tác tại 9 KCN để tiền hành rà soát, thanh tra kiểm tra thường xuyên. Phần mềm khai báo Covid-19 đã được cập nhật trong tất cả doanh nghiệp, trong đó, có tất cả thông tin, lịch trình của công nhân lao động phục vụ cho quá trình khoanh vùng truy vết sau này. Riêng về ngày bầu cử 23/5, ban quản lý các KCN&CX đã yêu cầu tất cả các doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động thực hiện quyền công nhân của mình.
Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, đã tiến hành rà soát, quản lý, xét nghiệm người về từ các KCN tỉnh Bắc Giang là 425 người, đến nay, chưa phát hiện trường hợp mắc; lấy mẫu người làm tại các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh là 1.639 người và chưa phát hiện trường hợp mắc.
Sở Giao thông Vận tải đề nghị ban chỉ đạo thành phố chỉ đạo các địa phương tổ chức tuyên truyền cho các xe ôm truyền thống về quy định phòng chống dịch. Các phương tiện phải có nước sát khuẩn và tuyệt đối từ chối khách không đeo khẩu trang. Đối với xe ôm công nghệ, sở Giao thông Vận tải yêu cầu các doanh nghiệp phải có biện pháp lưu trữ thông tin hành khách để thực hiện truy vết khi cần thiết.
Tại cuộc họp, các quận, huyện, thị xã, đặc biệt là các địa phương có các bệnh nhân F0 như xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín; phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân… đã tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch như khoanh vùng, phong tỏa tạm thời khu vực bệnh nhân ở, lập các chốt kiểm soát theo phương châm "nội bất xuất, ngoại bất nhập"; đưa các trường hợp F1 đi cách ly tập trung; lấy mẫu xét nghiệm của các trường hợp liên quan và xét nghiệm ngẫu nhiên nơi có nguy cơ…
Đại diện huyện Thạch Thất cho biết, liên quan đến việc trên địa bàn huyện hiện nay có 1 F0, anh V.V.H., (nam, sinh năm 1997) địa chỉ tại xã Lại Thượng làm việc tại Văn Giang – Hưng Yên. Chiều ngày 15/5, do có biểu hiện đau tức ngực, bệnh nhân đã vào bệnh viện Đa khoa Thạch Thất khám, sau khi ở phòng khám sàng lọc, được lấy mẫu xét nghiệm, bệnh nhân được chuyển lên khu cách ly tại khoa Truyền nhiễm của bệnh viện. Bệnh nhân đã được lấy xét nghiệm lần 1 ngày 15/5 gửi bệnh viện Đa khoa Sơn Tây xét nghiệm có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Ngày 19/5, bệnh nhân có sốt nhẹ, đau mỏi người được bệnh viện Đa khoa Thạch Thất lấy mẫu xét nghiệm lần 2 và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 (do CDC Hà Nội thực hiện vào tối 20/5). Sau khi có kết quả, quận đã truy vết được 31 F1, cả 31 mẫu đều có kết quả xét nghiệm âm tính.
Bệnh nhân V.V.H. ở chung tầng khu cách ly với 2 người F1 của khu cách ly tập trung (hiện nay 2 F1 này đã trở thành F0). Huyện đang nghi ngờ ca lây nhiễm này là xuất phát từ khu cách ly tập trung.