Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp trên phạm vi toàn thế giới và đặc biệt tại Việt Nam khi một số tỉnh, thành phố trong đó có Thủ đô Hà Nội và TP.HCM đã xuất hiện những ổ dịch mới rất nguy hiểm. Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố dịch Covid-19 trên toàn quốc và thực hiện biện pháp cách ly toàn xã hội từ 0h00 ngày 1/4 đến ngày 15/4.
Các hãng hàng không đã phải cắt giảm hầu hết các chuyến bay và chỉ duy trì 1 ngày/chuyến tại các thành phố lớn. Rất nhiều cán bộ nhân viên ngành hàng không đã phải nghỉ không lương, các máy bay nằm phơi nắng, chưa bao giờ lịch sử ngành hàng không lại đối mặt với tổn thất nặng nề như hiện tại.
Trước tình hình đó, Tổng giám đốc Hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) Dương Trí Thành đã gửi thư động viên cán bộ nhân viên cùng đồng lòng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Trong thư, ông Thành chia sẻ, "trong thời gian qua, toàn TCT chúng ta đã có hơn 2000 CBNV trong đó có hơn 400 cán bộ là LĐ TCT, CB các cấp phải cách ly để thực hiện trách nhiệm cộng đồng, thậm chí đã có 4 cán bộ nhân viên của chúng ta nhiễm bệnh”.
Vậy nhưng “Chúng ta đã không chùn bước… Hơn 3 tháng qua, chúng ta đã tổ chức nhiều chuyến bay giải cứu, đưa công dân về nước, có cả chuyến bay vào thẳng tâm dịch Vũ Hán để thực hiện sứ mệnh của hàng không Việt Nam và trở về với tất cả niềm tự hào là con người Việt Nam, là Vietnam Airlines và đất nước Việt Nam”.
“Chúng ta đã tạm dừng toàn bộ hoạt động khai thác quốc tế từ 7h00 sáng ngày 25/3/2020 và từ 0h00 ngày 1/4/2020 chỉ thực hiện một số chuyến bay/ngày nối Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng…
Chưa bao giờ chúng ta phải đột ngột dừng gần như toàn bộ hoạt động với gần 100 máy bay trong tổng số 106 máy bay phải tạm ngừng khai thác.
Với lịch bay và tình hình diễn biến dịch bệnh như hiện nay, dự kiến năm 2020, chúng ta sẽ giảm tải cung ứng (ASK) khoảng 60%; doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng tương đương giảm 65% so với kế hoạch”, thư của Tổng giám đốc Vietnam Airlines có đoạn.
Video: Vietnam Airlines phun khử trùng đội tàu bay khai thác trong ngày như thế nào?
Trước tình hình đó, nhằm nỗ lực san sẻ khó khăn cùng TCT trong khoảng thời gian này, lãnh đạo cấp cao trong Hội đồng quản trị, lãnh đạo Tổng Công ty, cấp Ban tự nguyện không nhận lương cho đến hết tháng 6.
Theo chia sẻ của VNA, các cán bộ nhân viên tổng công ty đã nhất loạt hoàn thành đăng ký luân phiên nghỉ không lương tối thiểu mỗi người từ 10 đến 15 ngày trong 3 tháng liền kề.
Bên cạnh đó, nhiều tiếp viên VNA chủ động đề xuất với lãnh đạo hãng bay không nhận lương chức danh trong vòng 2-3 tháng. Báo Tuổi trẻ đưa tin, số tiếp viên đăng ký không hưởng lương là 1.500 người.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Cục Hàng không cho biết các hãng hàng không Việt đang rơi vào tình cảnh cạn kiệt nguồn lực khi dòng tiền không còn, phải vận hành cầm chừng duy trì một số ít đường bay trọng điểm và mỗi hãng chỉ khai thác 1 chuyến bay/ngày. Vị này lo ngại một số hãng hàng không có thể không trụ được, phá sản sau khủng hoảng Covid-19.
Hiếu Nguyễn (Tổng hợp)