Đó là hồi ức của cô Nguyễn Thị Hoàn (SN 1971) - Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Lũng Phìn, Đồng Văn (Hà Giang) kể về ngày 20/10 đầu tiên khi làm cô giáo.
Chị Hoàn quê ở thị trấn Thanh Ba (Phú Thọ), 23 năm trước, chị tốt nghiệp sư phạm khoá cấp tốc 12+6 tháng và nhận công tác tại điểm trường Tả Cồ Ván, thuộc trường Tiểu học Hố Quáng Phìn, xã Hố Quáng Phìn, huyện Đồng Văn (Hà Giang).
Trường Tiểu học Hố Quáng Phìn gồm 1 điểm trường chính và 3 điểm trường lẻ. Cả trường chỉ có 6 thầy cô, trong đó có 1 anh quản lý. Chị Hoàn cùng 1 người bạn học được phân cùng 1 điểm với lớp học có 12 học sinh và 3 bộ bàn ghế loại 2m. Như lời chị, lớp học vô cùng thô sơ, bởi “chỉ có mái che nắng mưa chứ không có chắn gió”.
Lần đầu tiên xa nhà để làm cô giáo, chị Hoàn có đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc. Kết thúc tháng thứ 3, chị đón 20/10 đầu tiên của nghiệp làm cô giáo.
“Đúng ngày 20/10, anh Hiệu trưởng có việc đi vắng nên trường chẳng làm gì. Chị ở lại điểm trường cùng một cô giáo nữa. Trời mưa phùn, sương mù giăng ngang sườn núi. 2 chị em đi ra đi vào căn phòng chừng 8m2 được ghép bằng ván, vừa làm chỗ ngủ, vừa làm bếp nấu. Lấy mấy tờ báo ra đọc, thấy nhắc đến ngày 20/10 mà lòng nặng trĩu. Thôi đành ngồi viết nhật ký vậy.
Đang mải mê viết, đứa bạn đi quanh xóm về, đầu đội chiếc mũ nan, dép dính đầy bùn đất vì trời mưa phùn. Tay nó cầm nắm hoa xuyến chi, hoa mua rồi cắm vào cái cốc uống nước và đặt lên chiếc hòm đựng quần áo kê làm bàn. Miệng cười toe toét nó nói: 20/10 đây chị này. Lòng buồn nhưng chị lại cảm thấy ấm áp lạ”, chị Hoàn kể lại, lòng rưng rưng.
Đêm mỗi lúc mỗi khuya, bên ngọn đèn dầu le lói, tiếng côn trùng kêu, tiếng mõ bò khiến hai chị em trằn trọc không sao ngủ được. Họ kể nhau nghe chuyện quê nhà.
20/10 của những năm tháng đầu, mọi thứ vừa mới mẻ và cũng đầy thiếu thốn. Thế nhưng họ vẫn cùng nhau vượt qua, bằng những lá thư kết bạn.
“Lúc rảnh, bọn chị rủ nhau viết thư. 5 ngày là đến ngày chợ. Ngoài chợ có bưu điện, bọn chị ra đấy gửi thư và nhận thư. Mỗi tuần phải nhận được cả nắm thư em ạ. Về phòng, bọn chị hay đọc thư cho nhau nghe. Cứ thế ngày qua ngày. Cho đến khi điện, đường, trường, trạm đến được với bản làng”, chị Hoàn kể.
Ở điểm trường Tả Cồ Ván 1 năm, chị Hoàn chuyển ra trường chính. Nơi mà như chị nói, “vui hơn một chút” vì đông người hơn nhưng vẫn buồn. Đến mức, “có những hôm nghe thấy tiếng xe máy đi dưới đường, bọn chị chạy ùa ra xem xe…”.
Rồi 18 năm sau, chị đến nhận công tác tại đơn vị mới. Chị đón 20/10 với những mới mẻ và đổi thay.
“Không phải là nhánh hoa dại trên rừng hay ngồi viết nhật ký bên đèn dầu nữa rồi. Các anh em nam tổ chức cho các chị em bọn chị, trao tặng những hộp quà và lời chúc ý nghĩa. Đêm về rồi mà tiệc vẫn chưa tan…”, chị nói.
Không chỉ đồng nghiệp nam, mà cả học sinh cũng dành cho các cô giáo những món quà nhỏ nhưng đầy ý nghĩa trong ngày 20/10.
“Ngày chị dạy học, học trò còn sợ cô lắm. Nhìn thấy cô nhưng không biết chào, không biết tiếng phổ thông. Mấy năm trở lại đây, dân trí phát triển hơn, các em qua thầy cô dạy dỗ cũng hiểu về ngày 20/10 hơn, nên cũng biết tặng hoa cho cô. Có em mang theo nắm hoa mua. Thậm chí có em biết xin tiền bố mẹ mua hoa hồng tặng cô”.
Kể từ ngày nhận công tác, 3 năm sau, chị Hoàn lập gia đình. Chị nói vui: “Đấy là tìm trước rồi đấy, nếu chưa có chắc 3 năm đấy cũng không có gì…”. Cuộc sống gia đình tuy giản đơn nhưng với chị Hoàn luôn đầy ắp tiếng cười, nhất là trong những ngày lễ dành cho phụ nữ.
“Món quà mà chị thường nhận nhất là “không phải làm gì”, dù là việc nhỏ nhất trong ngày 20/10. Chị được ăn bữa cơm do chính tay chồng chế biến, được nhận món quà vụng về của chồng. Chị rất hài lòng vì chồng quan tâm. Riêng con gái chị từ ngày lớn cũng biết mua quà tặng và chúc mừng mẹ”, chị Hoàn tự hào kể về gia đình mình.
Mộc Miên