Nhìn nhận sự việc đáng buồn này, thầy giáo Trần Trung Hiếu (Nghệ An) cho rằng: “Đây là một cú tát lớn mà cô giáo dành vào ngành giáo dục, vào những người đã và đang công tác trong ngành. Với góc độ là một công dân, tôi cho rằng dù cô ấy có giải thích những lý do nào dẫn đến hành động "điên" ấy thì đó là một hành vi không thể chấp nhận được xét về góc độ hành xử giữa người với người”.
Còn dưới góc độ là một đồng nghiệp thầy Hiếu không khỏi bức xúc: “Một cô giáo hành xử như vậy với học trò, thì đó là hành vi của một kẻ có tri thức nhưng vô văn hóa. Nên đưa cô ta đến bệnh viện tâm thần để kiểm tra bệnh lý, nếu có kết luận của y học hiện đại là có bệnh lý bất thường thì cho nghỉ dạy để đi viện điều trị lâu dài. Nếu bình thường mà có kiểu hành xử như vậy, các cơ quan quản lý giáo dục cần có biện pháp xử lý cho ra khỏi ngành ngay. Tôi đề nghị truy tố trước pháp luật, từ dân sự đến hình sự nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội danh”.
Cũng theo thầy giáo này, cũng cần phải xem xét trách nhiệm của người Hiệu trưởng trong việc này: “Hiệu trưởng không thể hoàn toàn vô can trong chuyện này được. Chắc chắn, cô giáo này không chỉ hành xử kiểu côn đồ như vậy với học trò lần đầu tiên, và với học trò đầu tiên. Có 3 khả năng xảy ra với Hiệu trưởng liên quan đến hành vi đó. Thứ nhất, là bao che. Thứ hai, vô trách nhiệm. Cuối cùng là sự yếu kém về công tác quản lý, sự lơ là trong việc kiểm tra, giám sát các hoạt động diễn ra trong khuôn khổ nhà trường”.
Phân tích sâu hơn về trách nhiệm của Hiệu trưởng trong sự việc này, thầy Hiếu nói: "Hiệu trưởng có quyền và trách nhiệm quản lý cán bộ giáo viên, quán triệt đội ngũ để làm sao xây dựng một môi trường giáo dục có chất lượng và an toàn cho cả giáo viên và học sinh. Khi để xảy ra những sự việc đau lòng như thế này, cần xử lý nghiêm giáo viên có hành vi phản sư phạm, song cũng nên xem xét trách nhiệm người đứng đầu nhà trường vì quản lý chưa sát sao tới công tác giảng dạy trong nhà trường của giáo viên".
Nhìn sâu vào vấn đề, thầy giáo người Nghệ An nói: “Ngành giáo dục đào tạo các cấp cần dũng cảm, thẳng thắn nhìn nhận lại căn nguyên sâu xa của nhiều biểu hiện bất ổn, bất cập đã tồn tại nhiều năm qua chính là "bệnh thành tích"”.