Trên là trích đoạn về trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa, ngày 14/3/1988, trong trang sử có tên “Kiên cường bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa” của Lịch sử Trung đoàn công binh 83 Quân chủng Hải quân (công binh E83).
Chúng tôi đến gặp thượng tá Hoàng Hoan, nguyên là phó chỉ huy về chính trị của công binh E83. Giữa căn nhà nhỏ của Thượng tá Hoàng Hoan ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà (Đà Nẵng), trang sử bi hùng về trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma như dậy sóng.
Thượng tá Hoàng Hoan xem lại những hình ảnh kỷ niệm với Trường Sa
Theo thượng tá Hoàng Hoan, từ cuối năm 1987 đầu năm 1988, tình hình ở quần đảo Trường sa thuộc vùng biển Đông Nam của Tổ quốc đã trở nên phức tạp. Tháng 10/1987, Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã ra lệnh chuyển lên trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao cho các đơn vị thuộc quần đảo Trường Sa và lệnh cho một số đơn vị, trong đó có công binh E83 Quân chủng Hải quân sẵn sàng đi xây dựng, chi viện đảo.
Tháng 1/1988, Trung đoàn đã bắt đầu lần lượt điều các khung đi xây dựng tại các đảo ở quần đảo Trường Sa. Đầu tháng 3/1988, đối phương tăng cường lực lượng hải quân xuống khu vực quần đảo của ta. Bộ Tư lệnh Quân chủng đã có chỉ thị cho Lữ đoàn 125, Lữ đoàn 146 và Trung đoàn công binh 83 chuẩn bị lực lượng sẵn sàng ra Trường Sa.
20h đêm 11/3/1988, tàu HQ-604 của Đoàn 125 do đồng chí Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng đã nhổ neo tại căn cứ của công binh E83, tiếp tục đưa hai khung của Trung đoàn và các đồng chí của Đoàn 146 đi đóng giữ bảo vệ đảo. Tiếp đó, 2h sáng hôm sau, ngày 12/3/1988, tàu HQ-605 của Đoàn 125 cũng được lệnh tăng cường cho đảo.
Tối 13/3/1988, đối phương uy hiếp mạnh một số đảo của ta, ngay trong đêm 13/3/1988, Sở Chỉ huy đã chỉ thị cho bộ phận đi đóng giữ đảo: Quyết giữ vững mục tiêu, khẩn trương thả xuồng máy, xuồng nhôm xuống bám giữ đảo, đồng thời chuyển vật liệu xây dựng lên làm nhà.
Đến 6h sáng 14/3/1988, lực lượng vũ trang của đối phương xông vào. Cán bộ chiến sĩ Hải quân Việt Nam dưới sự chỉ huy của thiếu úy Trần Văn Phương kết thành vòng tròn, kiên quyết bảo vệ ngọn cờ Tổ quốc.
Đôi bên giằng co quyết liệt. Đối phương nổ súng, bắn vào thiếu úy Phương. Thiếu úy Phương ngã xuống. Vừa lúc ấy, binh nhất Nguyễn Văn Lanh (nay là thiếu tá Nguyễn Văn Lanh, người đã được Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân sau trận chiến bảo vệ đảo này, hiện đang ở TP Hồ Chí Minh) xông lên. Lanh vừa đánh bật khẩu súng ngắn trên tay một chỉ huy của đối phương thì một lính khác của đối phương đã dùng lưỡi lê sắc nhọn đâm vào Lanh từ phía sau. Lanh gục xuống, máu chảy nhuộm đỏ dưới chân cột cờ Tổ quốc. Lanh bị thương nhưng lá cờ của Tổ quốc trên đảo không đổ. Trước sự kiên cường của chiến sĩ ta, đối phương rời đảo.
Rút về tàu chiến, đối phương nổ súng vào các cán bộ chiến sĩ Hải quân ta đang bám giữ đảo và cả tàu HQ-604 của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ đang ở đó. Tàu HQ-604 chìm trong lòng biển. Sau trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 lịch sử, 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân ta đã anh dũng hy sinh.
Thượng tá Hoàng Hoan, nguyên phó chỉ huy về chính trị Trung đoàn công binh 83 Quân chủng Hải quân đặt tay lên trang sử của Trung đoàn ngày 14/3/1988, nói tiếp: “Rất nhiều cán bộ chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma ngày ấy. Nhưng chúng tôi không một ai nao núng, càng quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Ngày 16/3/1988, chỉ 2 ngày sau trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma, công binh E83 điều tiếp ngay hai khung của tiểu đoàn 886 và tiểu đoàn 887 xuống 2 tàu của Quân khu 5 đi xây nhà tại quần đảo Trường Sa nằm ở vùng biển đông nam của Tổ quốc”.
Theo Dân trí