Hắn đã thay tên đổi họ, lấy vợ sinh con và sống một cuộc sống bình thường như bao người dân lương thiện khác. Thế nhưng nỗi ám ảnh của buổi chiều hắn ôm mìn ném giữa chốn đông người cứ hiện về, khiến hắn không ngủ ngon giấc mỗi đêm. Gần 30 năm sống với một cuộc đời khác, cũng là từng đấy thời gian, giấc ngủ mộng mị cứ làm hắn toát mồ hôi hột…
Kẻ ôm mìn quẳng vào đám đông
Hành trình lẩn trốn của kẻ giết người cứ như một thiên tiểu thuyết qua từng lời kể của Phúc “ga” (tức Nguyễn Văn Phúc, 1955, trú xóm Ga, TX. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ) tại cơ quan công an tỉnh Quảng Nam. Trong những lời kể của hắn, bên cạnh những tình tiết rợn người, là cả những nỗi niềm ân hận, và cả sự nhọc nhằn khi hắn lẩn trốn khắp nơi.
Lệnh truy nã Phúc "ga" của công an Quảng Nam - Đà Nẵng cũ.
Cuộc đời của tay trùm phố ga này cũng là những chuỗi ngày long đong lận đận với những biến đổi của thời cuộc, từng tham gia quân đội ngụy quyền, bị bắt đi cai tạo nhiều tháng trời, rồi theo gia đình lên lập nghiệp ở Đắk Nông. Thời bấy giờ, cuộc sống ở vùng kinh tế mới quá khó khăn, gia đình lại đông con nên sự nheo nhóc khốn cùng đè nặng lên vai cha mẹ Phúc. Cuối năm 1980, gia đình Phúc 11 người lại lục tục trở về TX. Tam Kỳ sinh sống. Với bản tính lì lợm, ngang tàng và máu anh chị, nên chẳng mấy thời gian sau Phúc nổi tiếng ở thị xã này với cái tên Phúc “ga” cùng những vụ cướp giật, gây rối trật tự, trấn lột...
Buổi chiều 16/9/1988, sau khi đi nhậu nhẹt với đám đàn em về đến gần ga Tam Kỳ, thì Phúc gặp tốp công nhân cầu đường 2/9, nên xông vào đánh nhóm công nhân này. Dẫu biết Phúc là dân "anh chị" ở xứ này, nhưng vì quá tức giận, nhóm công nhân liền đánh trả. Phúc chịu không nổi đã bỏ chạy về nhà gọi thêm Phan Tiến Dũng (1966, trú Bình Nguyên, Thăng Bình, Quảng Nam) đang chơi ở nhà mình cùng đi trả thù. Cả hai mang theo một quả mìn đến chỗ đám công nhân ở rồi ném vào đám đông khiến hơn 15 người bị thương, sau đó cả hai bỏ trốn.
Sau một thời gian điều tra, ngày 18/9/1988, CA tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Phúc và Phan Tiến Dũng. Sau hơn một năm lẩn trốn, Phan Tiến Dũng đã bị bắt theo lệnh truy nã vào ngày 17/11/1989, riêng “đại ca” Phúc "ga" thì hắn đã nhảy tàu ra Huế ngay trong đêm đó, rồi từ Huế đón xe đi đến cửa khẩu Lao Bảo và vượt biên giới qua Lào.
Tại đây, hắn lang thang khắp nơi rồi xin vào làm phụ hồ cho một ông chủ người Việt. Hắn làm việc và câm lặng chịu đựng tất cả mọi khó khăn, cả những sự đè nén của nhiều người để không bị lộ tung tích. Nhưng hắn vẫn sợ rằng một ngày nào đó cơ quan công an sẽ lần ra hắn, dù ở nơi chân trời góc bể nào. Hơn 4 năm sau, hắn thường xuyên nghe ngóng tình hình, khi thấy mọi chuyện đã lắng xuống, có được một ít vốn làm ăn, hắn lặng lẽ rời Lào về Việt Nam rồi vào TP.HCM sinh sống.
Tung tin đã chết để tạo vỏ bọc mới
Hắn nghĩ rằng chỉ có cái chết mới thoát được tội lỗi này, nhưng can đảm để chết thì hắn không có, rồi một suy nghĩ lóe lên trong đầu. Hắn âm thầm tung tin rằng Phúc "ga" đã chết để cơ quan chức năng không truy tìm nữa. Tuy nhiên, lưới trời lồng lộng, sau gần 30 năm sống chui lủi, ngày 20/6/2013, Phúc bị lực lượng Cảnh sát truy nã CA tỉnh Quảng Nam bắt giữ theo quyết định truy nã.
Ngồi trước các điều tra viên, Phúc “ga” hiền lành như một người nông dân thuần phác, nhưng khi nghe chính từ miệng hắn kể lại quá trình trốn chạy, các điều tra viên cũng không khỏi rùng mình. Trong quá trình trốn nã hắn kết hôn với Trần Thị Hồng (1963, ấp 6, xã Tân Nhật, huyện Bình Chánh) và thuê nhà ở. Ngày đại hỉ, tuy bên nội không có một ai thân thích dự đám, nhưng phía nhà gái cũng chẳng chút mảy may nghi ngờ. Chưa đầy 3 năm sau, vợ chồng hắn đã có ba mặt con, vừa trai vừa gái ẵm bồng.
Gần 30 năm ở đó, hắn xây dựng một hình tượng người đàn ông mẫu mực, chân chất, hiền lành, hay lam hay làm, khiến ai cũng tin tưởng. Cuộc sống cứ thế trôi qua. Trong suốt thời gian sống ở đây, người dân địa phương chỉ biết đến Phúc là người lành tính, chịu thương chịu khó nên rất mến. Phúc không ăn nhậu, không bao giờ to tiếng với mọi người.
Đặc biệt, Phúc rất thương con. Nhưng ngay cả trong những năm tháng êm đềm ấy, lòng hắn vẫn luôn nổi những đợt sóng ngầm. Nhìn cảnh gia đình hạnh phúc, hắn luôn cảm giác lo âu, thấp thỏm, sợ hãi về một ngày bị bắt trở lại. Có lẽ từ trong sâu thẳm hắn hiểu rằng cuộc đời hắn đã không còn nhiều thời gian nữa. Hắn muốn dành tất cả mọi sự tốt đẹp nhất cho gia đình, cho những đứa con của hắn. Khi những đứa trẻ chào đời, mải mê lo toan chăm sóc, nuôi dạy các con đã lấy đi khá nhiều thời gian của hắn. Cùng với đó là chuyện, suốt một thời gian dài hắn không thấy động tĩnh gì từ phía cơ quan điều tra, nên phần nào yên tâm khi nghĩ rằng, có lẽ họ đã "quên" hắn rồi.
Phúc "ga" tại cơ quan công an sau 25 năm lẩn trốn.
Cuộc truy lùng xuyên thế kỷ
Rồi đến ngày 20/6/2013, khi những người đàn ông nói giọng xứ Quảng xuất hiện trước cửa nhà hắn, hắn ngỡ ngàng một chút nhưng rồi nhanh chóng hiểu ra rằng, tất cả thế là đã an bài. Gần 30 năm lẩn trốn lưu lạc khắp nơi, hắn đã tưởng tội lỗi hắn gây ra trước đây mọi người không ai còn nhớ nữa, hắn đã tưởng có thể làm lại cuộc đời mà không phải trả giá cho những lỗi lầm đã gây ra. Đến lúc này, mọi người mới thực sự sửng sốt khi biết rằng, người hàng xóm hiền lành là đối tượng trốn truy nã suốt gần 30 năm qua. Ngồi trong phòng hỏi cung, Nguyễn Văn Phúc không còn cái vẻ ngang tàng, coi thường mọi người như thuở nào. Thay vào đó là thái độ cởi mở, thành khẩn Phúc bây giờ tóc đã hai màu, khuôn mặt khắc khổ hơn vì nỗi lo mưu sinh thổ lộ, rằng gần 30 năm qua hắn đã sống trong nỗi âu lo về một ngày bị bắt.
Tâm sự về cảm giác đó, hắn bảo: "Dù hạnh phúc, song tôi cũng không giấu được cảm giác sợ hãi bất thường mỗi khi nghĩ về quá khứ tội lỗi, nghĩ bất chợt một ngày nào đó, công an bất ngờ xuất hiện bắt mình. Có nhiều đêm, những ám ảnh ấy lại bám vào giấc mơ, khiến tôi giật mình tỉnh giấc giữa đêm khuya, mồ hôi thấm ướt áo, ướt tóc. Những lúc ấy, vợ luôn là người lay tôi ra khỏi mộng mị sợ hãi đó. Nhìn cô ấy lo lắng, tôi đã tính đến chuyện thú nhận sự thật với vợ con, rồi ra đầu thú để làm lại tất cả. Nhưng nghĩ đến sự tự hào, tin tưởng vào người chồng, người cha mẫu mực của vợ con dành cho mình suốt bao nhiêu năm, tôi lại không đủ can đảm kể. Cứ như vậy, tôi sống trong sự lo âu, sợ hãi bám riết trong suốt thời gian gần 30 năm trời".
Phúc nói mà rưng rưng nước mắt, những ngày sắp tới, hắn sẽ phải trả giá cho những hành động thời tuổi trẻ nông nổi của mình. Hắn bảo, giá như hồi ấy hắn dũng cảm quay về đầu thú, có lẽ đã được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, đến khi ra tù, hắn cũng sẽ có một gia đình với người vợ hiền và những đứa con thơ mà không phải canh cánh nỗi lo âu về những ngày phải trả giá như bây giờ.
Gần 30 năm lo sợ từng đêm Nhưng đau đớn hơn là việc hắn không thể trở về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi quê hương bản quán của mình. Những đứa con của hắn khi lớn lên đã không biết bao nhiêu lần chúng hỏi hắn về quê nội, không biết trả lời ra sao, hắn ngậm ngùi bảo rằng hắn là một đứa trẻ mồ côi, những người thân trong gia đình hắn đã chết trong chiến tranh hết cả. Vợ hắn, con hắn tin những gì hắn nói. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn hắn, nỗi đau cứ ngày một dày vò. Hắn bảo: "Tôi đau đớn lắm, ngay cả ngày cha mẹ tôi mất mà tôi cũng không về được. Tôi là đứa con bất hiếu! Có lần nghe được thông tin em trai bệnh nặng nằm ở bệnh viện Chợ Rẫy, tôi ở gần đó lòng quặn đau, muốn chạy tới bệnh viện để gặp lại đứa em sau bao năm xa cách, nhưng không dám vào thăm vì sợ. Nhiều lần tôi muốn nói ra tất cả với vợ con, nhưng rồi lại không thể vì sợ tất cả bị tổn thương. Tôi dự định sau khi con trai út tốt nghiệp cấp 3, sẽ nói hết mọi chuyện rồi về đầu thú. Nhưng không ngờ cái ngày ấy đến nhanh quá!". Nỗi day dứt của kẻ tội đồ Trung tá Đặng Sự - phòng Cảnh sát truy nã công an tỉnh Quảng Nam cho biết: "Khi bắt đối tượng tại nhà, đối tượng đã chuẩn bị sẵn tâm lý, tuy bất ngờ nhưng không có sự chống trả, phản ứng, đối tượng chỉ xin thi hành lệnh bắt mà đừng cho vợ con biết!". Có lẽ điều khiến hắn day dứt, lo lắng nhất đó là không biết sau khi đón nhận tin sốc ấy, vợ và các con hắn sống như thế nào. Liệu những người thân ấy có bao dung, tha thứ cho hắn không? Có chờ đợi hắn đến ngày mãn hạn tù hay không? Đó vẫn là những câu hỏi mà hắn không dám đoán câu trả lời. |
Gia Ly - Minh Ngọc