Người dân băn khoăn, lo lắng về an toàn hồ đập
Dự án Hệ thống thủy lợi Rào Nan, tỉnh Quảng Bình đã được bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tại Quyết định số 4428/QĐ-BNN-XD ngày 30/10/2017 với tổng mức đầu 350 tỷ đồng. Đây là một dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2016 - 2020. Dự án do sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành vào năm 2020.
Đến nay, dự án vẫn chưa thể khởi công bởi một số hộ dân ở thôn Linh Cận Sơn, xã Quảng Sơn vẫn chưa đồng tình và tỏ ra lo ngại về việc xây đập ở gần khu dân cư sẽ làm mất an toàn, gây nên tình trạng lũ lụt nặng hơn vào mùa mưa. Thôn Linh Cận Sơn có 252 hộ dân với hơn 1000 nhân khẩu, nằm sát sông Rào Nan.
“Người dân chúng tôi không phản đối việc xây dựng đập thủy lợi, tuy nhiên, chúng tôi rất mong muốn cơ quan chức năng xem xét, di chuyển đập đến vị trí xa dân hơn (khoảng 5km) để khi có sự cố, người dân có thời gian di chuyển; giảm độ cao của đập xuống hoặc nếu xây dựng ở vị trí hiện tại thì phải di dời chúng tôi đến một nơi an toàn hơn”, một người dân trú thôn Linh Cận Sơn cho biết.
Ông Nguyễn Văn Toản (82 tuổi), trú thôn Linh Cận Sơn kể: "Dòng sông này có độ dốc lớn, vào mùa mưa lũ nước chảy về rất nhanh và đột ngột, đặc biệt là trận lũ năm 2010, 2013, 2016, đã gây thiệt hại lớn cho người dân; vì vậy, khi có thông tin xây dựng dự án thủy lợi, người dân ở đây rất lo lắng, bất an về độ an toàn hồ đập".
Ngoài ra, ông Toản cũng mong muốn cơ quan chức năng xem xét thay đổi thiết kế dự án, di chuyển đập đến một vị trí xa hơn.
Được biết, hệ thống Thủy lợi Rào Nan được xây dựng và đưa vào sử dụng từ những năm 60 của thế kỷ trước, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Theo dõi nhiều năm công trình chỉ đáp ứng được khoảng 70% yêu cầu dùng nước, các tháng mùa khô thường thiếu nước, để đáp ứng nhu cầu Trạm thủy nông Rào Nan phải bơm vét nước từ đáy sông Nan.
Dự án hệ thống thủy lợi Rào Nan hoàn thành có nhiệm vụ cấp nước toàn diện cho 9 xã vùng Nam sông Gianh và cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp của 13 xã phía Bắc sông Gianh.
Công trình sẽ không ảnh hưởng "dù chỉ một hộ dân"
Ông Mai Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn cho biết: “Sau khi tìm hiểu, nắm rõ tâm tư, nguyện vọng cũng như băn khoăn, lo ngại của người dân thôn Linh Cận Sơn, chính quyền địa phương đã phối hợp với sở NN&PTNT tỉnh, đã tổ chức các buổi làm việc, tiếp xúc với người dân để giải thích, tuyên truyền về lợi ích cũng như tính ổn định an toàn lâu dài của công trình. Tuy nhiên, đến nay, vẫn có một số hộ dân chưa đồng thuận trong việc triển khai xây dựng dự án”.
Theo ông Kiên, cơ quan chức năng liên quan cũng đã tổ chức cho người dân thôn Linh Cận Sơn đi tham quan thực tế một số công trình lớn như đập Ngàn Trươi (Hà Tĩnh), đập Cửa Đạt (Thanh Hóa). Qua tham quan thực tế, người dân được chứng kiến các hồ chứa nước có chiều cao thân đập lớn, phức tạp hơn, có các khu dân cư nằm sát chân công trình, qua đó cho thấy sự yên tâm về an toàn của công trình cũng như những lợi ích, hiệu quả mang lại cho người dân khi công trình hồ chứa nước được đầu tư xây dựng.
Giải thích về những băn khoăn lo ngại của người dân về sự an toàn hồ đập, ông Trần Hoài Nam, Giám đốc BQL DA đầu tư xây dựng ngành NN&PTNT thuộc sở NN & PTNN Quảng Bình cho biết: “Trong bối cảnh có nhiều ý kiến lo lắng về sự cố, mất an toàn công trình thủy lợi trong điều kiện biến đổi khí hậu cực đoan, diễn biến bất thường, ưu tiên hàng đầu được bộ NN&PTNT đặt ra trong quá trình thiết kế là tính an toàn. Vì vậy, bộ NN&PTNT đã mời các chuyên gia đầu ngành thẩm định hồ sơ dự án và tổ chức phản biện nhiều lần. Các chuyên gia đầu ngành đã khẳng định tuyến và giải pháp công trình là tối ưu, cam kết về tính ổn định và an toàn lâu dài của công trình đập dâng Rào Nan”.
Về vấn đề người dân lo ngại việc xây đập thủy lợi sẽ gây thêm ngập lụt cho vùng hạ du mà trực tiếp là thôn Linh Cận Sơn, ông Nam cũng khẳng định, việc xây dựng đập Rào Nan theo hình thức đập dâng không gây thêm ngập lụt hạ du, còn góp phần phòng lũ nhờ dung tích phòng lũ trong lòng hồ.
“Đối với đập dâng Rào Nan, trước mùa lũ, toàn bộ hệ thống 15 cửa van được đơn vị quản lý vận hành nâng lên, trả lại khả năng thoát lũ của lòng sông. Khi có lũ về, ngoài một phần lũ bị giữ lại do dung tích phòng lũ của đập dâng (khoảng 6,0 triệu khối), thì hệ thống 15 cửa van, 1 cửa van rộng 10m, tổng là 150m (so với bề rộng của đập dâng hiện tại là 135m), khả năng thoát lũ tốt hơn so với lòng sông hiện tại. Việc lưu lượng lũ đổ về quá lớn sẽ gây xói phạm vi sau đập dâng, tuy nhiên phạm vi này đã có gia cố chắc chắn bằng giải pháp công trình”, ông Nam cho biết.
Liên quan đến ý kiến của người dân về việc dời công trình xa hơn về phía thượng lưu (khoảng 5km) ông Phan Văn Khoa, Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình cho biết: “Thực tế qua quá trình khảo sát, thiết kế ban đầu, đã đưa ra các phương án tuyến, vị trí công trình để so sánh về mức độ an toàn của công trình. Vị trí công trình hiện tại là tối ưu, công trình được đặt trên một nền đá gốc vững chắc, các vị trí khác địa chất công trình rất yếu, nguy cơ gây mất an toàn cho công trình là rất lớn.
Về đề xuất phương án di dời hoặc làm nhà chống lũ để người dân có thể trú tránh trong các trường hợp khẩn cấp, ông Khoa cũng khẳng định: “Dự án đã được các chuyên gia đầu ngành khảo sát kỹ, đảm bảo an toàn tuyệt đối, không ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất kinh doanh của bất kỳ một cá nhân, hộ gia đình nào, vì vậy, không có lý do gì chúng ta phải tính phương án di dời dân”.