“Bài toán” nhiều năm chưa có lời giải
ĐBQH Nguyễn Thanh Hải đoàn Tiền Giang đánh giá việc chi ngân sách nhà nước, chi ngân sách nhà nước đáp ứng cơ bản nhu cầu chi tiêu của khu vực công, đảm bảo một số chính sách về an sinh xã hội và phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, đại biểu này cho rằng, vốn đầu tư phát triển tiếp tục giải ngân chậm, tỷ lệ giải ngân đến nay chỉ đạt 91,1% kế hoạch Thủ tướng giao. Nếu so với dự toán của Quốc hội thì tỷ lệ này còn thấp hơn, trong đó giải ngân vốn ngân sách nhà nước chỉ đạt 52,6%. Riêng vốn trái phiếu Chính phủ đạt 26,2%, vốn đầu tư nước ngoài chỉ đạt 23,1%, khả năng giải ngân hết nguồn vốn trong năm 2019 là khó khăn.
Ngoài ra, tình trạng chuyển vốn còn lớn, cá biệt có tình trạng chuyển nguồn nhiều năm gây lãng phí, phần nào phản ánh sự cần thiết của mục chi này. Trong khi đó, ở nhiều bộ, ngành và địa phương có nhu cầu ngân sách rất lớn để chi xây dựng cơ bản thì nhiều khoản giải ngân thấp, khả năng chuyển nguồn còn khá lớn.
“Đây là một trong những vấn đề tồn tại nhiều năm qua, song chúng ta vẫn chưa khắc phục được. Do vậy, tôi đề nghị tới đây Chính phủ cần quan tâm nghiên cứu các nguyên nhân cụ thể để có giải pháp hữu hiệu hơn, kiên quyết hơn trong việc giải ngân và sử dụng nguồn vốn, nhất là đối với việc chuyển nguồn, nếu chuyển nguồn một năm thì có thể cho là khách quan, còn chuyển nguồn từ năm này sang năm khác thì cần phải xem lại đâu là nguyên nhân để tránh lãng phí nguồn lực”, đại biểu kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cũng nêu ra thực trạng trong khi nhiều công trình cấp bách khác còn đang chờ bổ sung vào danh mục đầu tư thì các công trình đã được đưa vào danh mục đầu tư lại không giải ngân được hết hoặc giải ngân không đúng tiến độ, thiếu hồ sơ, thủ tục là khó chấp nhận.
“Vì vậy, đề nghị chi ngân sách nhà nước, Chính phủ cần phân tích cụ thể trong các giải pháp hiệu quả hơn, các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện nghiêm các quy định, nâng cao chất lượng điều hành ngân sách cả chi thường xuyên và chi đầu tư, hạn chế tối đa gây lãng phí nguồn lực tài chính, góp phần tiết kiệm ngân sách, tăng cường huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội”, Đại biểu đoàn Tiền Giang tiếp tục kiến nghị.
Về vấn đề giải ngân chậm này, ĐB Nguyễn Quốc Hận - Cà Mau bao lâu nay vẫn trong tình trạng "biết rồi nói mãi", và năm nào các nội dung này cũng được Chính phủ đề cập trong phần hạn chế, yếu kém.
“Cho dù biết đây là một trong những vấn đề khó khăn, phức tạp nhưng điều lạ là cho dù đã thấy và cũng đã chỉ đạo kiên quyết nhưng càng khắc phục thì kết quả càng tồi tệ hơn, mà điển hình là tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản”, ĐB Hận bày tỏ.
Để tránh dư luận không tốt, ĐB Nguyễn Quốc Hận kiến nghị trước Quốc hội: “Việc khắc phục chậm có chăng là ở lý do thắt chặt thủ tục đầu tư, do công khai, minh bạch, do kết quả chống tham nhũng thời gian gần đây đạt kết quả tốt, làm mất động lực của các chủ đầu tư hay chưa thỏa thuận được tỷ lệ ăn chia hay còn vì lý do gì khác? Điều này cần được Chính phủ làm rõ, không để có dư luận không hay, không tốt trong đầu tư công”.
Lập ra 5 nhóm giải pháp để tìm cách “tiêu tiền”
Sau những con số trên báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội khả quan 10 tháng đầu năm 2019, Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận: Tình trạng giải ngân vốn chậm là “điểm tối” trong bức tranh sáng của nền kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, nhất là việc đóng góp giá trị của đầu tư công trong tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP); nhiều công trình, hạ tầng chậm tiến độ làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.
Theo Bộ trưởng,10 tháng của năm 2019 cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt đạt 49,83% so với kế hoạch được giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. “Đến nay còn 27.000 tỷ đồng vốn đầu tư công vẫn chưa giao được cho các Bộ, ngành, địa phương.” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Nhìn nhận về nguyên nhân, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng khách quan là do một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy trình, thủ tục còn nhiều bất cập; thủ tục điều chỉnh dự án phức tạp. Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất giao cho các cơ quan thời gian tới tiếp tục rà soát để tháo gỡ khó khăn.
Chính phủ cũng xác định nguyên nhân chủ quan là do khâu tổ chức thực hiện là chủ yếu: Công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế; việc giao kế hoạch vốn rất chậm từ Trung ương xuống các Bộ, ngành, địa phương, chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ dự án; công tác tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao; trình độ năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý, tư vấn giám sát, nhà thầu còn nhiều hạn chế; thiếu động lực trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra.
Về việc tìm cách “tiêu tiền” trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chính phủ lập ra 5 nhóm giải pháp chính để giải quyết tình hình, đó là: Rà soát các quy định còn vướng mắc để kịp thời điều chỉnh; khẩn trương giao chi tiết và điều chỉnh kế hoạch vốn, trong đó kiên quyết điều chỉnh vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khẳng năng giải ngân cao hơn; tập trung chỉ đạo công tác giải ngân ở các cấp, các ngành; đổi mới công tác đánh giá kế hoạch đầu tư công; tăng cường kỷ luật kỷ cương, nhất là vai trò của người đứng đầu.
Clip: Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải trình trước Quốc hội:
Công Luân - Hoa Liên