2.901 kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội

2.901 kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội

Dương Thị Thu

Dương Thị Thu

Thứ 3, 16/05/2017 19:41

Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 2.901 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.

Dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký MTTQ Việt Nam trình bày tại Phiên họp thứ 10, ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho biết: Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 2.901 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.

Xã hội - 2.901 kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội

 Phiên họp thứ 10 của ủy ban Thường vụ Quốc hội đang diễn ra tại Hà Nội.

Những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân chủ yếu tập trung vào 6 nhóm vấn đề: Sản xuất kinh doanh; quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; y tế và đảm bảo an toàn thực phẩm; giáo dục, đào tạo và dạy nghề; đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí và công tác cán bộ; an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Trên cơ sở những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các địa phương 6 kiến nghị. Đáng chú ý, kiến nghị nêu rõ: “Đề nghị các đồng chí cán bộ, công chức, đảng viên, nhất là những người đứng đầu các cấp, các bộ, ngành với tinh thần thẳng thắn, đánh giá đúng những ưu điểm, hạn chế trong lãnh đạo, quản lý, thực thi nhiệm vụ; kiên quyết xử lý trách nhiệm về đảng và nhà nước đối với vi phạm của cán bộ, công chức, đảng viên để giữ gìn sự trong sạch và uy tín của Đảng, Nhà nước, giữ vững kỷ cương, pháp luật và củng cố niềm tin trong nhân dân".

Cho ý kiến vào báo cáo này, Chủ nhiệm ủy ban Quốc phòng an ninh Võ Trọng Việt đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành địa phương đảm bảo môi trường thủy, hải sản vì cử tri rất quan tâm đến vấn đề hủy diệt môi trường thủy, hải sản chưa được quan tâm đúng mức. Cử tri cũng quan tâm đến buôn lậu xăng dầu, ma túy, và xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đánh giá báo cáo đầy đủ, toàn diện. Tuy nhiên, ông đề nghị trong 2.901 kiến nghị của cử tri và nhân dân đề nghị phân ra về sản xuất kinh doanh, quản lý tài nguyên môi trường… chiếm tỉ lệ bao nhiêu để thấy được vấn đề nào cử tri quan tâm hơn. Để đến kỳ họp thứ 4, thấy vấn đề nào tăng, giảm… Như vậy sẽ có những đóng góp tốt hơn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, cho rằng: Báo cáo công phu, trình bày tổng quát, nhưng cân nhắc về các từ ngữ như: Cử tri đánh giá cao, cử tri hoan nghênh, cử tri ghi nhận sự nỗ lực, cử tri phấn khởi so với cụm từ cử tri băn khoăn, lo lắng, lo ngại, kiên quyết không chấp nhận, vẫn tiếp tục phản ánh… để có sự hài hòa.

“Tôi đồng ý nên phân rõ nội dung các kiến nghị: Bảo vệ tài nguyên môi trường, sản xuất kinh doanh, an toàn thực phẩm, đấu tranh phòng chống tham nhũng… chiếm bao nhiêu phần trăm, thể hiện nhân dân quan tâm như thế nào ở các vấn đề như vậy. Về kiến nghị, cũng nên tách ra kiến nghị Quốc hội, Chính phủ... như thế nào”, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị bổ sung thêm vấn đề vào báo cáo, bởi bản thân ông trực tiếp đi tiếp xúc cử tri đã thấy thực tế, cử tri băn khoăn lo lắng về tổ chức bộ máy hành chính còn cồng kềnh, mặc dù nói nhiều nhưng chưa chuyển biến tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhân dân. Thái độ công chức, nhất là ở cơ sở còn vấn đề này vấn đề khác, chưa phù hợp tinh thần cải cách.

“Bộ máy hành chính cấp xã, cán bộ chuyên trách ở thôn bản cả số lượng, chế độ chính sách còn bất cập. Cử tri mong muốn tới đây Trung ương đổi mới hệ thống chính trị cần có những chính sách hợp lý trong ổn định bộ máy và cán bộ hiện nay”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.

Phát biểu về vấn đề này, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải chia sẻ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vì thời gian vừa tiếp xúc cử tri ngắn, các báo cáo gửi về trong thời gian ngắn như vậy sẽ khó tách bạch, định lượng số liệu cụ thể là bao nhiêu ý kiến, chỉ có thể định lượng tương đối.

Chủ tịch ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu cho biết, sẽ tiếp thu và bổ sung những ý kiến đóng góp từ Thường vụ Quốc hội, rà soát từ ngữ như ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nêu rõ các kiến nghị của cử tri và nhân dân..., hoàn thiện dự thảo báo cáo để trình bày trước Quốc hội trong kỳ họp tới.

Phát biểu kết thúc nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đã tổng kết lại các ý kiến và đề nghị ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn chỉnh báo cáo, đề nghị ban Dân nguyện chủ động tham gia hoàn thiện báo cáo để trình bày tại Kỳ họp thứ 3, dự kiến khai mạc ngày 22/5 tới.

Dương Thu (ghi)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.