Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có 130 thí sinh đạt từ 29,5 điểm trở lên nhưng vẫn không đỗ vào nguyện vọng 1 mà các em đăng ký do các trường, ngành này đều có điểm chuẩn rất cao.
Trong đó có 84 em đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào khối trường công an, trong đó riêng Học viện Chính trị Công an Nhân dân là 67 em. Có 22 em là thí sinh của Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa).
Trong số 130 thí sinh này có 69 em đã đỗ ở các nguyện vọng sau và 61 em không đỗ nguyện vọng nào.
Đáng chú ý, trong số 61 thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng nào, có 60 thí sinh chỉ đặt duy nhất 1 nguyện vọng, 1 thí sinh đặt 2 nguyện vọng; 59 thí sinh có nguyện vọng 1 vào các trường công an, quân đội và đều chỉ có 1 nguyện vọng, trong đó có 57 em tốt nghiệp từ năm 2019 trở về trước (đây có thể là những thí sinh đã đi nghĩa vụ, nay được cử đi thi).
Bộ Giáo dục và Đào tạo thống kê một số trường có điểm chuẩn cao mà những thí sinh này đã trượt nguyện vọng; đồng thời phân tích: Các trường công an, quân đội có cách tính điểm xét khá phức tạp (kết hợp cả điểm học bạ), cùng với nhiều tiêu chí, điều kiện khác nên việc phân tích dữ liệu và việc đỗ hay trượt ở đây không có nhiều ý nghĩa.
Nguyên nhân điểm đại học năm nay “bùng nổ"
Năm 2021 số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT là hơn 1 triệu thí sinh, trong đó số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng là 795.000, tăng 24% so với năm 2020.
Năm nay điểm chuẩn của các trường được đánh giá là tăng "chóng mặt". Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, mùa tuyển sinh năm nay là một năm đặc biệt, bởi chúng ta phải tổ chức hai đợt thi vì lý do dịch bệnh.
"Dựa trên số thí sinh tuyển được, trên tổng số chỉ tiêu, chúng tôi thấy tuyển sinh năm 2021 có tiến bộ đáng kể so với năm 2020.
Việc tăng điểm chuẩn của một số ngành là do những nguyên nhân sau: Số thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT tăng 11% so với năm 2020. Đặc biệt, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng tăng 24%, có thể do nhiều em không đi du học, hoặc do xu hướng chọn ngành nghề... Điều này làm điểm chuẩn tăng vọt.
Ngoài ra là xu hướng chọn ngành năm nay có nhiều thay đổi. Tâm lý thí sinh trong điều kiện kinh tế - xã hội như thế này sẽ chọn ngành kỹ hơn mọi năm. Những nhóm ngành tăng điểm chuẩn của năm nay là kỹ thuật, công nghệ; khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, sau đó mới là kinh doanh, khoa học xã hội nhân văn... Ngoài ra, phân tích phổ điểm thi thì thấy môn tiếng Anh cải thiện so với năm 2020, góp phần làm tăng điểm chuẩn", ông Sơn nói.
Cũng theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường đại học Kinh tế quốc dân cho hay, có nhiều lý do dẫn tới điểm chuẩn của các trường tăng “đột biến” như: Mức độ đề thi chưa có tính phân hóa cao; thí sinh tăng nguyện vọng vào các trường top, ngành hot; các trường cũng bắt đầu tăng chỉ tiêu tuyển sinh riêng, xét tuyển kết hợp khiến tỷ lệ chỉ tiêu cho việc xét điểm thi tốt nghiệp THPT giảm...
Với độ phân hóa đề thi như hiện tại, ông Triệu cho rằng, trong thời gian tới, các trường sẽ tính đến việc giảm sự phụ thuộc vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thay vào đó, chủ động đưa ra các phương thức tuyển sinh riêng để đảm bảo yêu cầu của từng trường.
Trong khi đó, cô Bùi Nguyễn Hương Giang, giáo viên trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định phổ điểm Tiếng Anh có hình dạng "bất thường" do đề có 80% câu hỏi ở mức nhận biết, thông hiểu, không phân hóa được học sinh khá, giỏi.
Sau khi công bố điểm thi tốt nghiệp THPT, cô Giang cho rằng đề thi, phổ điểm như năm nay khiến cánh cửa thi khối D của các thí sinh trở nên khó khăn hơn, đặc biệt với học sinh khá, giỏi.
Trúc Chi (t/h theo Tuổi Trẻ, Hà Nội Mới)