3 ca tử vong sốt xuất huyết: Cách nào phòng chống bệnh tốt nhất?

3 ca tử vong sốt xuất huyết: Cách nào phòng chống bệnh tốt nhất?

Nguyễn Thị Hương Lan

Nguyễn Thị Hương Lan

Thứ 7, 18/03/2017 17:50

Đã có ba bệnh nhân tử vong vì sốt xuất huyết, vậy làm cách nào để phòng chống căn bệnh này hiệu quả nhất. Dưới đây là những tư vấn hữu ích của chuyên gia y tế.

Như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, trên địa bàn TP.HCM đã ghi nhận 3 ca tử vong do sốt xuất huyết tại quận 5 và quận 12, trong đó quận 12 có 2 ca.

Mặc dù không phải là cao điểm của mùa dịch nhưng từ đầu năm đến nay, số lượng người tử vong là hồi chuông cảnh báo người dân cần lưu ý đến công tác phòng chống dịch.

Được biết, tại khu phố 7, phường Hiệp Thành, quận 12 - nơi vừa có ca tử vong do sốt xuất huyết, đoàn kiểm tra phát hiện nhiều ổ chứa loăng quăng, người dân vẫn xả rác bừa bãi. Đặc biệt, khu vực này có nhiều hộ dân nuôi bò, gà, chim... tự phát. Đây chính là các tác nhân có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh.

Các bệnh - 3 ca tử vong sốt xuất huyết: Cách nào phòng chống bệnh tốt nhất?

Xuất hiện chấm xuất huyết ngoài da là dấu hiệu điển hình của bệnh sốt xuất huyết. Ảnh minh họa

Từ tháng 10/2016 đến tháng ​2/2017, trung bình mỗi tuần phường Hiệp Thành ghi nhận 3 ca sốt xuất huyết, chưa kể những trường hợp điều trị ở các cơ sở tư nhân không báo cáo.

Trước thực tế này, các bác sĩ đề nghị địa phương xem xét lại cách truyền thông, đồng thời giám sát chặt việc xử lý vệ sinh môi trường của người dân, xử phạt nghiêm đối với các trường hợp để phát sinh ổ loăng quăng, ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.

TS. Trần Đắc Phu - cục trưởng Cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) khuyến cáo về các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết và cách phòng tránh như sau:

Biểu hiện bệnh:

Thể bệnh nhẹ: Sốt cao đột ngột 39-40 độ C, kéo dài 2 đến 7 ngày, khó hạ sốt. Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu. Có thể có nổi mẩn, phát ban.

Thể bệnh nặng: Bao gồm các dấu hiệu trên kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu dưới đây:

Dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng).

Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

“Cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời khi xuất hiện những dấu hiệu trên”, TS. Phu nhấn mạnh.

Cách phòng bệnh:

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể thành dịch do vi-rút dengue gây ra vì thế cách phòng tránh tốt nhất là diệt muỗi, loăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, bể…) hàng tuần; thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến…

Phòng chống muỗi đốt: Mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày; dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi; dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi…

Cần cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, ngăn ngừa muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác và tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

N.Giang 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.