Tôi rất muốn ủng hộ Dự thảo Luật thuế của bộ Tài chính nếu những lý do để tăng thuế mà bộ Tài chính đưa ra thuyết phục. Có 3 vấn đề chúng ta cần xem xét.
Thứ nhất, bộ Tài chính cho rằng tăng thuế để bù đắp nguồn thu ngân sách. Điều đó là tốt nhưng mới chỉ là đầu vào, còn đầu ra là việc sử dụng tiền thuế như thế nào thì họ chưa nói đến. Có thể bộ Tài chính đã có những phân tích, nghiên cứu riêng nhưng chưa công bố nên với vai trò là người dân thì Dự thảo Luật thuế này vẫn còn thiếu những luận điểm, luận chứng thuyết phục.
Nếu tăng thuế thì tiền tăng là bao nhiêu? Sử dụng cho việc gì? Ngay cả việc sử dụng có sự lãng phí, tham nhũng như những câu chuyện gần đây đã khiến người dân có nhiều nghi ngại. Việc này bộ Tài chính cũng cần có báo cáo cụ thể, công khai.
Thứ hai, lý do mà bộ Tài chính đưa ra là mức thuế suất 12% vẫn còn thấp so với nhiều quốc gia. Điều đó cũng đúng, như một số nước ở châu Âu có thuế suất lên đến 20% nhưng mức thu nhập bình quân của họ lên tới hơn 40.000 USD/năm – gấp 20 lần so với người dân nước mình là 2.000 USD/năm. Do vậy, dù thuế suất GTGT của họ có lên tới 20% đi chăng nữa thì số tiền còn lại vẫn đủ để họ có cuộc sống thoải mái.
Mức thu nhập trung bình là 2.000 USD/năm nghĩa là trong xã hội có không ít người nghèo, thu nhập thấp chỉ 100 USD hay vài chục USD mỗi năm. Vấn đề tăng thuế nói là 2% nhưng vẫn là rất lớn đối với họ. Đó là chưa kể việc tăng thuế còn dẫn tới việc tăng giá hàng hóa, dịch vụ khác.
Thứ ba, cách tính thuế GTGT vẫn còn là gánh nặng đối với người dân. Ở bên Mỹ - nơi tôi đã từng sinh sống nhiều năm, họ không có thuế GTGT (Value Added Tax) mà chỉ có thuế bán hàng (Sales Tax) khoảng 5-10% tùy từng loại mặt hàng và tùy từng bang. Loại thuế này chỉ “đánh” vào người tiêu thụ cuối cùng – khác với cách tính thuế GTGT theo quan điểm hiện nay. Đơn cử như một bộ quần áo, từ khâu nguyên vật liệu, sản xuất ra thành phẩm, đưa đến nhà bán buôn, rồi bán lẻ và khâu tiêu thụ, mỗi công đoạn đều đánh thuế 10%. Tính ra, người tiêu dùng phải chịu mức thuế cao hơn 10% mới mua được một bộ quần áo. Càng nhiều công đoạn thì thuế người tiêu dùng phải chịu càng cao.
Như vậy, tăng thuế từ 10% lên 12% hay lộ trình là tăng lên 14% cũng cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng là việc đó tác động thế nào đến túi tiền của người dân, không chỉ là con số trên sổ sách, trên văn bản.
Hoa Liên (ghi)