Vụ việc ông Lê Quang Thắng, chủ một cơ sở xay xát gạo ở xã – người đang tìm chủ nhân gần 3 lượng vàng bị thất lạc trong bao lúa để trả lại khiến dư luận địa phương không khỏi bàn tán.
Ông Thắng cho biết, ngày 2/1/2018, trong lúc xay gạo, 3 công nhân cơ sở của ông phát hiện một hộp bằng gỗ khá cũ nằm trong bao lúa. Sau khi kiểm tra, một nam công nhân thấy trong hộp đựng nhiều vàng nên lấy bỏ túi.
Phát hiện ra vụ việc trên, ông Thắng nhanh trí nói rằng số vàng đó là của người em con ông chú ở cùng địa phương nên yêu cầu nam công nhân trên bàn giao để trả lại cho người mất. Tuy nhiên, trước khi bàn giao số vàng trên cho ông Thắng, vị nam công nhân nhanh tay "cuỗm" mấy chỉ vàng trong hộp.
Đến thời điểm hiện tại, ông Thắng vẫn đang thông báo rộng rãi để tìm chủ sở hữu của số vàng trên.
Nhìn nhận vụ việc này dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Yến (Đoàn luật sư Hà Nội) chia sẻ, việc ông Thắng phát hiện ra số vàng vô chủ trên và thông báo rộng rãi cho chủ nhân đến nhận lại là điều đúng đắn, thuận theo lý và hợp về tình.
Theo quy định tại Điều 230 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc: Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên.
Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.
UBND cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.
Nếu chính quyền địa phương hoặc công an địa phương tìm được người bỏ quên số vàng thì sẽ tiến hành trao trả.
Trong trường hợp, sau 1 năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:
Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trường hợp tài sản có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.
Trường hợp sau 1 năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản (số vàng) bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định trong trường hợp này áp dụng theo khoản a, điểm 2 Điều 230 Bộ Luật Dân sự năm 2015.
Còn theo luật gia Nguyễn Đức Hùng, sau thời gian nêu trên như quy định mà không có ai đến nhận, số vàng đó sẽ thuộc về người phát hiện ra. Tuy nhiên, ở đây có 3 người công nhân và ông chủ phát hiện ra.
Vậy nếu không có người nhận thì số vàng này sẽ thuộc về ai?
Theo luật gia Hùng, bao thóc đấy được ông Thắng mua về thì thuộc quyền sở hữu của ông này, nếu trong trường hợp cả ba công nhân và ông Thắng đều phát hiện ra như thế này hai bên sẽ thỏa thuận về việc chia số tài sản được hưởng theo quy định.
Nếu không thỏa thuận được, vụ việc sẽ được giải quyết bằng một phán quyết của tòa án dân sự. Khi đó, tòa sẽ căn cứ vào các chứng cứ, tình tiết khác để làm căn cứ giải quyết vụ việc.