Tình thế cấp bách của ngành y
Tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội chiều 27/10, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn Tp.HCM) nhắc lại thực trạng và kiến nghị về y tế cơ sở từng được bà đề cập trong bài phát biểu tại kỳ họp thứ 2 cách đây một năm, song đến nay, chưa thay đổi gì, điển hình như tiền lương, phụ cấp cho cán bộ y tế vẫn chưa tăng.
Phân tích “3 chân kiềng” của ngành y tế gồm y tế cơ sở, y tế điều trị và cung ứng thiết bị, vật tư y tế, bà Lan lo ngại khi cả 3 chân kiềng này đang lung lay.
“Anh em ngành y tế rất muốn làm nhưng lực bất tòng tâm, chúng ta có chính sách về xã hội hóa và tự chủ bệnh viện nhưng phải nói bệnh viện rất khó tự chủ”, bà Lan nói.
Nữ đại biểu phân tích tự chủ không phải cắt đi đầu tư của Nhà nước, mà ngược lại, trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước cần đầu tư cho y tế nhiều hơn, nhưng bên cạnh đó cần mở rộng nguồn đầu tư khác để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Vậy nhưng thực tế, Nhà nước cắt hầu hết khoản chi lương cho bệnh viện tự chủ và tự chủ một phần. “Bệnh viện tự chủ nhưng không quyết định được việc mua sắm thiết bị nên khó đảm bảo điều kiện tốt nhất”, bà Lan nhấn mạnh.
Đề cập đến quỹ bảo hiểm y tế, bà Lan nhấn mạnh ý nghĩa của chủ trương này, song bà nêu thực tế vì tăng thu khó nên chúng ta phải giảm chi, ép từ giá dịch vụ y tế, giá thuốc cho tới vật tư y tế dẫn đến không đảm bảo chất lượng.
“Ép giá nhưng cũng khó thanh toán, như các bệnh viện ở Tp.HCM đang bị bảo hiểm y tế từ chối thanh toán 1.400 tỷ đồng vì vượt quá quy định cho phép”, bà Lan nói và cho rằng đây là thực tế vô lý.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ tâm tư, mơ ước mơ bình thường của bất kỳ cán bộ y tế nào không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới là để cho cán bộ y tế chỉ phải tập trung vào chuyên môn, để khám chữa bệnh cho bệnh nhân một cách tốt nhất chứ không phải là hằng ngày đối phó với các quy trình mua sắm, thanh toán và nguy cơ bị xử lý cả hành chính lẫn hình sự.
Do đó, đại biểu đề nghị giải pháp tình thế cấp bách thì cần phải giảm các thủ tục. Về giải pháp lâu dài cần hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế và cần có Luật trang thiết bị.
2,1 triệu người dân tộc thiểu số không đóng BHYT
Phát biểu ý kiến, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) cho biết, trong khi người dân đồng bào dân tộc thiểu số đang dần quen với việc tìm đến bác sĩ, cơ sở y tế để thăm khám chữa bệnh thì nay lại đối mặt với việc không còn được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế nữa.
Theo đó, nhiều nơi thoát khỏi huyện nghèo, xã khó khăn, khu vực 2, khu vực 3, người dân không được hỗ trợ nữa. Đại biểu đưa ra thống kê khoảng 2,1 triệu đồng bào dân tộc thiểu số không tiếp tục đóng bảo hiểm y tế.
"Chính phủ cần chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng để thấy được người dân khu vực 3, khu vực 2 nay là khu vực 1, cuộc sống đã thực sự hết khó khăn chưa, người dân đã có thể tự chỉ trả các khoản khám chữa bệnh lên tới 4 triệu đồng/lượt hay không?", bà đặt vấn đề.
Theo đó, đại biểu kiến nghị Bộ Y tế và cơ quan bảo hiểm y tế quan tâm đến việc mua bảo hiểm y tế cho người dân ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số.
Đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) cũng đặt vấn tự chủ của cơ sở y tế, giáo dục và cho biết cử tri băn khoăn khi thực hiện lộ trình tự chủ trong đó có các bệnh viện và các trường đại học, cao đẳng.
Theo đại biểu, nếu tính đúng, tính đủ thì mức phí và giá khám chữa bệnh sẽ ngày càng cao, trong khi mức lương và thu nhập người dân không tương xứng. Điều này gây áp lực lên người dân, đặc biệt là những người có mức thu nhập thấp sẽ không đủ tiền để khám chữa bệnh ở bệnh viện công lập và cho con em theo học cao đẳng, đại học.
Vì vậy, bà đề nghị Chính phủ, Quốc hội đánh giá toàn diện các chính sách để khi triển khai lộ trình tự chủ để vừa đảm bảo nhiệm vụ chi của các đơn vị sự nghiệp công lập nhưng đồng thời phải tính đến cơ chế chính sách nhằm đảm bảo an sinh xã hội.
Bà Ánh đưa ra một số giải pháp như nâng cao tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế và mở rộng hơn đối tượng được Nhà nước chi trả bảo hiểm y tế, đặc biệt là người dân có nhu nhập thấp, vùng sâu vùng xa và vùng dân tộc thiểu số; giảm tỉ lệ lãi suất cho vay học phí đối với học sinh, sinh viên.