Vậy là 3 điểm 9 đã chắc chắn trượt Đại học Y Hà Nội, thầy hiệu trưởng Nguyễn Đức Hinh và Hội đồng tuyển sinh nhà trường cũng đã có tờ trình gửi Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Y tế xin cho phép các em có cơ hội được học với chỉ tiêu ngoài ngân sách.
Như vậy, các em có được thực hiện giấc mơ trở thành bác sỹ hay không đang phụ thuộc vào bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Với tình hình thiếu bác sỹ giỏi trầm trọng, với tầm nhìn của bộ trưởng Tiến chắc bà sẽ không bỏ lỡ cơ hội này. Số phận đỗ hay trượt của các em giờ đây phần lớn là do bộ trưởng Luận quyết định.
Trong bài viết trước, tôi đã đưa ra ý kiến 3 điểm 9 có thể trượt đại học liên quan đến vấn đề quá tải bệnh viện. Ở bài viết này xin được liên hệ giữa 3 điểm 9 trượt đại học y với những cái chết oan uổng mà tôi được chứng kiến.
Việt Nam đang rất cần bác sỹ giỏi và quy trình cấp cứu tốt.
Trường hợp thứ nhất, mới xảy ra cách đây chưa đầy 100 ngày, đó là một thanh niên (cũng chính là nhân viên của tôi). Em bị tại tai nạn giao thông tại một huyện ngoại thành Hà Nội, em được bạn bè đưa vào bệnh viện huyện gần nơi xảy ra tai nạn. Tại đây, em được cấp cứu ban đầu nhưng do nhiều hạn chế về chuyên môn nên chỉ được bó cẳng tay bị gãy mà nguyên nhân gây chết là vỡ gan thì đã bị bỏ qua.
Sau khoảng 1 giờ, khi em có dấu hiệu hôn mê mới được chuyển lên tuyến trên, tất nhiên khi tiếp nhận em thì bệnh viện tuyến trên cũng đành... bó tay. Giá như em được đưa thẳng tới một bệnh viện có bác sỹ giỏi, có đủ ca trực để mổ ngay trong những phút đầu sau tai nạn thì em đã không chết một cách oan uổng như vậy.
Trường hợp thứ hai, khoảng năm 2005, trong ca trực tôi tiếp nhận một bệnh nhân khoảng 30 tuổi bị tai nạn xe công nông. Khi khám lâm sàng, tôi đã chẩn đoán bệnh nhân bị vỡ gan, tôi mong muốn đưa bệnh nhân lên thẳng phòng mổ, tuy nhiên do không đủ bác sỹ cho một ca trực phẫu thuật nên mong muốn đó không thể thực hiện được. Gần 1 giờ sau bệnh nhân mới được vào phòng mổ, do quá muộn cuối cùng bệnh nhân đã không qua khỏi. Tôi vẫn còn ám ảnh mãi với lời cầu cứu của bệnh nhân rằng “bác sỹ hãy cứu em với”, tức là khi vào viện bệnh nhân vẫn tỉnh hoàn toàn, nhưng vì vỡ gan nên sẽ tử vong nhanh nếu không được can thiệp kịp thời.
Trường hợp thứ ba, trên báo chí vào đầu năm 2007, một bệnh nhân bị tai biến mạch não cũng chết oan tại bệnh viện tuyến huyện cách trung tâm Hà Nội có 20km.
Và như vậy trên đất nước Việt Nam, hàng ngày không biết còn bao nhiêu trường hợp chết oan tương tự như vậy do thiếu bác sỹ có tay nghề thực sự. Việt Nam đang rất cần bác sỹ giỏi và quy trình cấp cứu tốt giống như trường hợp cách đây 1 tháng, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, đã cứu được hai em bé bị một thanh niên hàng xóm đâm nhiều nhát dao chí mạng.
Trở lại với vấn đề các em được 27 điểm vẫn trượt Đại học Y Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho biết, như những năm trước, trường được mở lớp đào tạo ngoài ngân sách để nhận thí sinh điểm cao, nhưng vài năm nay, việc đào tạo này đã không được Bộ GD&ĐT cho phép. Như vậy thì những cái chết oan uổng trên đây có còn tái diễn hay không có vẻ như phụ thuộc hoàn toàn vào Bộ trưởng Luận và các lãnh đạo của Bộ GD&ĐT. Khi ký quyết định cho trường Đại học Y Hà Nội nhận thêm chỉ tiêu, có thể Bộ trưởng sẽ chịu nhiều áp lực từ dư luận xã hội và các trường đại học khác.
Tuy nhiên, với 27 điểm thì hình như không có em nào bị trượt ở các trường khác và có lý do để tiếp nhận vào Đại học Y Hà Nội. Tôi cũng xin nhắc lại, số em đạt 27 điểm thực sự trở lên ở Trường Đại học Y Hà Nội chỉ là 493 trong số 1050 chỉ tiêu, nhưng do năm nay Bộ GD&ĐT yêu cầu trường Đại học Y Hà Nội phải nhận hơn 100 suất vào thẳng, kèm theo chính sách cộng điểm ưu tiên theo quy chế đã có từ vài chục năm nay. Hơn nữa Trường Đại học Y Hà Nội cũng chỉ đề đạt xin chỉ tiêu ngoài ngân sách như những năm trước đã áp dụng rất tốt tại đây.
BS Tạ Văn Sang (Kiến thức)