Việc các trường Sư phạm có chuẩn đầu vào thấp, theo nhiều chuyên gia nhận định, đó là hồi chuông báo động về chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, PGS. Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) thẳng thắn nêu quan điểm: “Đây là thảm họa của ngành giáo dục, cải cách lần này cay đắng hơn khiến xã hội mất niềm tin!”.
PV: Trái ngược với điểm chuẩn cao ngất ngưởng của các trường khối công an, quân đội, thậm chí 29 điểm vẫn có khả năng trượt đại học, các trường Sư phạm lại có điểm chuẩn thấp kỷ lục, ở khối cao đẳng 9 điểm cũng đỗ. Ông nhận định sao về thực tế này?
PGS. Văn Như Cương: Tôi cho rằng đó là thảm họa của ngành giáo dục! Chúng ta đang muốn nâng cao chất lượng ngành giáo dục một cách toàn diện thì lực lượng xung kích để làm chuyện đó chính là đội ngũ giáo viên.
Tuy nhiên, từ câu chuyện tuyển sinh năm nay, cá nhân tôi vô cùng thất vọng. Điểm tuyển vào Sư phạm có những trường 3 điểm/môn đã đỗ (thậm chí điểm còn thấp hơn điểm sàn như ở Huế). Thử hỏi 3-4 năm nữa, lực lượng giáo viên ấy sẽ làm được việc gì, có đáp ứng được chương trình mới hay không?
Cố nhiên, chúng ta có thể thấy rõ họ không thể đáp ứng được yêu cầu đó. Tôi tin chắc rằng, sau 3 năm học cao đẳng, các em đó cũng không thể “một bước” từ học sinh trung bình lên khá giỏi, tốt nghiệp loại ưu được.
PV: Nói như vậy, chất lượng ngành giáo dục đang tụt hậu, thưa ông?
PGS. Văn Như Cương: Bộ GD&ĐT loay hoay với các đề án đổi mới nhưng không tính đến lực lượng xung kích cho đổi mới giáo dục. Như vậy, đổi mới sẽ tiếp tục thất bại như các lần trước! Vài ba năm nữa, hệ quả đi đến đâu chúng ta có thể lường trước được. Vậy tại sao bộ GD&ĐT không có biện pháp gì, đó là điều mà cả xã hội quan tâm?
Theo quan điểm của tôi, cải cách thất bại, đổi mới... tụt hậu nguyên nhân là do chúng ta tuyển sinh cho đủ chỉ tiêu, quan tâm đến số lượng hơn chất lượng nên dù điểm có thấp vẫn đỗ. Nếu ngành giáo dục ấn định điểm chuẩn cao, được bao nhiêu đào tạo bấy nhiêu, chắc chắn chất lượng giáo dục sẽ không thảm hại như hiện tại.
Chúng ta vẫn giữ tư duy tuyển đủ chỉ tiêu, nếu không giảng viên các trường đại học sẽ “ngồi chơi” là quá sai lầm. Việc cần làm bây giờ là phải hạn chế đào tạo giáo viên mới, dồn lực bồi dưỡng hay thực chất phải là dạy lại giáo viên cũ.
PV: Theo ông, làm thế nào để chất lượng giáo viên được nâng lên trong khi bộ GD&ĐT “buông” tuyển sinh và "thả" đào tạo ngành Sư phạm?
PGS. Văn Như Cương: Chúng ta không nhất thiết phải chạy đủ chỉ tiêu sinh viên mới vì thực chất đội ngũ giáo viên hiện nay đang thừa. Điều cốt lõi, quan trọng nhất trong vài năm tới đây là các trường Sư phạm cần đào tạo lại, bồi dưỡng thêm cho lực lượng giáo viên đang giảng dạy ở phổ thông cũng như tốt nghiệp từ nhiều năm trước. Thực tế, nhiều giáo viên không còn thích ứng với đổi mới giáo dục hiện nay và nếu bồi dưỡng, họ sẽ tụt hậu.
Bộ GD&ĐT trong đề án đổi mới tổng thể giáo dục phải đưa trường Sư phạm vào cuộc. Tôi lấy ví dụ, môn học trải nghiệm thực tế và sáng tạo đang được áp dụng tại các trường ngay bản thân Hiệu trưởng như chúng tôi cũng không biết cần dạy gì, đánh giá như thế nào? Bộ phải có hướng đào tạo chứ không thể bỏ lửng.
Với việc đào tạo lại, bồi dưỡng thêm như tôi vừa nói, chúng ta mới hy vọng trong vài năm tới giáo viên mới đáp ứng được chương trình đổi mới. Bộ phải rốt ráo, làm thực chất chứ không mang tính hình thức. Trước đây, cứ vào dịp hè giáo viên ở các trường ra các thành phố lớn tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ và viết thu hoạch nhưng theo kiểu... “cưỡi ngựa xem hoa”.
Thế nên, bộ GD&ĐT phải đặt kế hoạch cụ thể, giáo viên môn Toán, môn Sử phải học những gì? Học phải có bài kiểm tra, chấm điểm và ứng dụng vào thực tế giảng dạy. Làm được điều này, chất lượng giáo viên được nâng lên chứ chúng ta không nên bằng mọi giá để tuyển sinh với điểm quá thấp.
PV: Ở các nước, câu chuyện chọn người tài cho ngành giáo dục là rất quan trọng, tuy nhiên dường như chúng ta đang đào tạo theo kiểu “vơ bèo vợt tép”, thưa ông?
PGS. Văn Như Cương: Mấy năm qua, bộ GD&ĐT cải cách quá nhiều nhưng không hiệu quả. Chỉ riêng câu chuyện đổi mới sách giáo khoa, các trường Sư phạm đều đứng ngoài cuộc (không tham gia việc viết sách, bồi dưỡng giáo viên - PV) và chương trình đại học Sư phạm cũng không thay đổi phù hợp với chương trình phổ thông đã nói lên sự bất cập. Điều đó cực kỳ nguy hiểm và tôi gọi đó là sự kỳ quái.
Trước đây, tuyển giáo viên vào trường, chúng tôi không quan tâm đến điểm đầu vào đại học của các ứng viên, nhưng chắc chắn từ năm nay sẽ phải lưu ý đến điều này. Vì theo quan điểm của tôi, “một thế hệ thầy giáo tồi sẽ làm hỏng cả một dân tộc”. Tôi xin thẳng thắn nói rằng, với cách làm hiện nay của bộ GD&ĐT thì công cuộc đổi mới sẽ liên tiếp thất bại, mà lần này sẽ thất bại cay đắng hơn và xã hội sẽ hết tin tưởng.
Đầu vào thấp chắc chắn chất lượng đầu ra thấp, nếu không nói là rất thấp, chẳng ai dám đảm bảo sau 3 năm học ở trường từ một học sinh kém lại đạt loại ưu. Đó là chuyện ảo, bức tranh giáo dục vài năm nữa sẽ rất ảm đạm và bộ GD&ĐT phải chịu trách nhiệm về việc này!
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!