Số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, chỉ riêng 10 tháng đầu năm 2021, có hơn 3,82 triệu tài khoản đang giao dịch, tăng 129.751 tài khoản so với tháng trước.
Thị trường chứng khoán liên tục xuất hiện các phiên đạt thanh khoản tỷ đô bên cạnh lượng người gia nhập lĩnh vực này ghi nhận cao kỷ lục. Cơn sốt mua bán cổ phiếu trong thời dịch ngày càng lan rộng, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhiều nhà đầu tư F0 ồ ạt đổ vào thị trường. Bên cạnh những cơ hội kiếm lời cũng tiềm ẩn không ít rủi ro bởi nhiều nhà đầu tư chủ quan, chưa tích lũy đủ kiến thức...
Tại tọa đàm "Thị trường chứng khoán: Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp - kênh đầu tư sinh lời và tích sản" do Báo Đầu Tư tổ chức, các chuyên gia đến từ các công ty chứng khoán đưa ra nhiều lời khuyên cho các nhà đầu tư gia nhập thị trường chứng khoán.
"Lướt sóng" chỉ dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp
Thảo luận tại buổi tọa đàm, ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Phòng phát triển năng lực đầu tư CTCP Chứng khoán VPS cho biết: "VPS xác định tầm nhìn nhà đầu tư cá nhân sẽ bùng nổ nên đã hướng đến câu chuyện sẽ đào tạo các nhà đầu tư cá nhân để hiểu rõ hơn về kênh dẫn vốn này".
Theo ông, VPS đưa ra nhiều giao dịch theo lô lẻ cho các nhà đầu tư chưa có nhiều vốn, chẳng hạn như các em sinh viên. Nhà đầu tư ít vốn muốn đầu tư an toàn phải tích luỹ tài sản hàng tuần thậm chí hàng tháng để đầu tư dài hơi. "Tuy nhiên, thị trường chứng khoán đã lên mặt bằng giá cao hơn, nếu tích luỹ nắm giữ cổ phiếu từ năm ngoái đến năm nay thì đã có một tài sản khá, giao dịch theo giá trị và tích luỹ theo lô lẻ. Thị trường sẽ còn phát triển mạnh, số lượng nhà đầu tư sẽ lớn hơn, mặt bằng giá sẽ lên cao hơn nữa", ông nói.
Ông cho hay, "lướt sóng" cổ phiếu ngắn hạn chỉ dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp sành sỏi, các nhà đầu tư cần đi đến phương châm đầu tư bền vững.
"Chúng tôi thực hiện các chương trình livestream tư vấn hàng ngày. Về bản chất, để hiểu và nắm bắt nhu cầu sẽ có những nhà đầu tư phù hợp cầm lâu, những nhà đầu tư muốn giao dịch ngắn, nên nhận thức rủi ro, ra vào như thế nào cho phù hợp và đặc biệt cần có tư duy hiểu mấu chốt và kiểm soát tâm lý tốt", ông Khánh nói.
Trong khủng hoảng sẽ tạo ra nhóm cổ phiếu tốt
Còn theo ông Vũ Đức Tiến - Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) đầu tư chứng khoán phải có kiến thức. "Nên hiểu nền tảng doanh nghiệp có thể cộng trừ 3% với thị trường để có sự tính toán trong đầu tư", ông nói.
Theo ông, trên thị trường chứng khoán không ai có thể đoán hết được giá trị của doanh nghiệp. Tuy nhiên để chọn cổ phiếu tốt cần quan tâm đến 3 điều: chủ doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh và cơ hội của thị trường. Trong đó, ông nhấn mạnh không được bỏ qua uy tín cá nhân của lãnh đạo doanh nghiệp.
"Trong quá trình khủng hoảng sẽ tạo ra được nhóm cổ phiếu tốt và thời kỳ Covid-19 cũng vậy", ông nói. Nền kinh tế bị ảnh hưởng nhưng theo ông, công ty chứng khoán vẫn là đối tượng hưởng lợi.
Giai đoạn từ năm 2008-2011, có những doanh nghiệp kinh doanh tốt nhưng cổ phiếu rơi xuống mệnh giá 10.000 đồng, cổ phiếu VCB của Vietcombank về mức 25.000 đồng, theo ông là mức rẻ. "Sau khủng hoảng ấy, đơn vị nào tái cấu trúc đầu tiên sẽ có tăng trưởng đầu tiên, như cổ phiếu REE của CTCP Cơ điện lạnh, trong vòng 3 năm tăng gấp 3 lần".
Đợt khủng hoảng tiếp theo là đầu năm 2020 khi có dịch Covid-19, ông cho biết cổ phiếu SSI khi ấy về mức 11.000-12.000 đồng, cổ phiếu HPG về 17.000 đồng… "Những doanh nghiệp lớn có sự chống chọi rất quan trọng, khủng hoảng tạo ra những cơ hội vô cùng lớn. Đây cũng là cơ hội định giá cổ phiếu, quay lại trạng thái bình thường", ông cho hay.
"Nhà đầu tư cần tăng cường kiến thức, nếu "nhắm mắt" đầu tư thì vẫn có khả năng thành công, nhưng sẽ không biết mình sẽ đi về đâu", Tổng Giám đốc Vũ Đức tiến nhấn mạnh.
Chứng chỉ quỹ phù hợp nhà đầu tư có khẩu vị thận trọng
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng giám đốc VNDirect lại cho biết VNDirect muốn đa dạng hoá mô hình tư vấn môi giới chứng khoán truyền thống sang mô hình tư vấn đầu tư, giúp khách hàng chuyển tư duy giao dịch ngắn hạn, đầu cơ, sang tư duy đầu tư.
"Để làm được, cần đồng bộ từ khâu thiết kế hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ đến khâu đội ngũ cần được đào tạo kiến thức, kỹ năng, đến cách thức quy trình tiếp cận với khách hàng'', ông Quỳnh nói.
Với khách hàng mới cần có đánh giá để hiểu nhu cầu, năng lực tài chính, năng lực đầu tư, giúp nhà đầu tư đi qua chương trình đào tạo về cả kiến thức, về cả kỹ năng. "Quan điểm VNDirect không thúc giục khách hàng, để họ tự nhận thức, tự trải nghiệm, VNDirect chỉ xây dựng nền tảng dịch vụ và đôi ngũ có năng lực và tâm làm nghề, đồng hành cùng khách hàng trong quá trình trải nghiệm của họ" - Tổng giám đốc VNDirect nhấn mạnh.
Theo ông, với các nhà đầu tư muốn tham gia thị trường, đồng hành với sự phát triển thị trường, mức độ rủi ro thấp, thì tham gia vào chứng chĩ quỹ phù hợp với các nhà đầu tư có khẩu vị thận trọng.
Còn theo Tổng giám đốc SGI Capital Lê Chí Phúc, chiến lược của SGI Capital là đầu tư đạt tăng trưởng 15%/năm. "Trong rổ 100 mã nếu lựa chọn ra rổ chỉ số nhóm cổ phiếu tốt hơn, có thể có trên mức 15% đó. Từ tư duy này, SGI Capital có phương pháp riêng để chia thị trường thành 4 phân lớp, trong đó với nhóm đầu tư tăng trưởng 30%/năm có tiêu chí riêng", ông Lê Chí Phúc nói.
Ông Phúc cho hay tốc độ kinh tế phát triển 7%/năm, các doanh nghiệp hàng đầu có thể tăng đôi gấp ba con số trung bình, nên lựa chọn ngành đại diện nhất trong sự đi lên của ngành như hạ tầng, đô thị hoá... Trong 5 năm trở lại đây thấy sự thay đổi về hạ tầng, tốc độ phát triển sẽ còn nhanh hơn. Ngoài ra, thu nhập bình quân tăng lên nhanh giúp thói quen chi tiêu và hình thức tiêu dùng của người Việt tăng theo.
"Với nhà đầu tư cá nhân chọn 5-7 cổ phiếu là đủ cho quản lý danh mục, yên tâm 3 năm nữa quay trở lại sẽ có thể gấp đôi, gấp 3 tài sản bỏ ra", ông Lê Chí Phúc nói.