Tết Đoan Ngọ được tổ chức vào giờ chính Ngọ (đúng 12h trưa) ngày 5/5 Âm lịch.
Trong tiềm thức của người Việt, Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết diệt sâu bọ. Dân gian ta tin rằng, trong hệ tiêu hóa thường có sâu bọ, nếu không giết đi thì chúng sẽ sinh sản ngày một nhiều và ảnh hưởng tới sức khỏe.
Tùy vào từng vùng miền sẽ có cách “diệt trừ sâu bọ” khác nhau. Người miền Trung và miền Nam thường có tục làm mâm cỗ cúng tổ tiên; treo lá ngải cứu trước cửa nhà; làm túi ngũ sắc đeo cho trẻ em; lên rừng hái thuốc; nhiều nơi làm các món ăn từ thịt vịt, thịt ngan để mang về bên nhà mẹ, nhà vợ…
Người miền Bắc thì diệt sâu bọ bằng thức ăn (rượu nếp, bánh tro và hoa quả…) ngay khi vừa thức dậy. Vào trẻ em, sáng sớm ngay khi vừa thức giấc sẽ được cho ăn một chút hoa quả, rượu nếp, trứng luộc, bôi hồng hoàng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để diệt sâu bọ. Sau đó cha mẹ mới đưa đi đánh răng, rửa mặt, làm vệ sinh cá nhân.
Với người lớn, khi vừa thức dậy cũng không được đặt chân xuống đất mà phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ rồi ăn 1 quả trứng vịt luộc. Sau khi bước chân ra khỏi giường thì uống một ít rượu (hoặc ăn 1 bát rượu nếp) để sâu bọ say, sau đó ăn trái cây để diệt sạch sâu bọ.
Ngoài ra, theo quan niệm lâu đời, vào ngày Tết Đoan Ngọ bạn nên kiêng kỵ làm các điều sau:
Để giày dép lộn xộn: Trong tiếng Trung Quốc, phát âm của giày dép giống với từ “tà”. Do vậy, trong ngày Tết Đoan Ngọ, nếu để giày dép lộn xộn, không đúng chỗ dễ chiêu dụ tà khí, mang đến nhiều điều không tốt lành cho gia chủ.
Mua vật phẩm có hình kỳ quái: Trong ngày Tết Đoan Ngọ, bạn không nên mua về nhà những vật phẩm có hình thù quái dị, đáng sợ, không rõ nguồn gốc, ý nghĩa. Nếu không may việc làm này còn khiến bạn rước thêm tà khí về nhà.
Để tiền rơi: Làm rơi tiền hay ví tiền trong ngày Tết Đoan Ngọ giống như việc bạn đánh rơi tài lộc, những điều tốt lành do vậy bạn hãy giữ tiền cẩn thẩn tránh gặp phải vận xui liên quan đến tiền bạc.
* Thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo!
Quỳnh Chi (Tổng Hợp)