Ngày 15/12, hội thảo, tọa đàm trực tuyến “Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện - Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới” đã được tổ chức nhằm thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tìm ra những giải pháp chuyển đổi số toàn diện, phù hợp nhằm khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, thích ứng với trạng thái bình thường mới.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu tạo nên cuộc khủng hoảng đa chiều, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế - xã hội nói chung: chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đơn hàng giảm mạnh, chi phí sản xuất tăng cao, nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, mất khả năng thanh toán và đứng trước bờ vực phá sản, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ.
Theo đó, Phó Chủ tịch VCCI đánh giá ứng phó với đại dịch Covid-19 và hậu quả từ đại dịch là một trong những thách thức lớn nhất cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. "Trạng thái bình thường mới" do đại dịch Covid-19 đặt ra những vấn đề mới cho quản lý trên bình diện quốc gia và toàn cầu, đòi hỏi phải có những điều chỉnh chính sách phù hợp, ứng phó Covid và phục hồi phát triển kinh tế là trung tâm, lãnh đạo doanh nghiệp phải chủ động thích ứng linh hoạt, thực hiện chuyển đổi số dựa trên sự liên kết chặt chẽ giữa kinh doanh, công nghệ và con người để tạo ra những hướng đi mới đột phá hơn.
“Covid-19 là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi. Cùng với đó, doanh nghiệp cần phát triển sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu mới của thị trường trong trạng thái bình thường mới, kết nối chặt chẽ với đối tác, nâng cao năng lực đổi mới và sức cạnh tranh trên thị trường”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
4 chương trình lớn hỗ trợ doanh nghiệp
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau đại dịch đang mở ra nhiều cơ hội cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Điều đó xuất phát từ sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng, sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động của đại dịch khiến giao dịch số/online tăng mạnh.
Bên cạnh đó, bà Thủy cũng cho biết với 64.000 doanh nghiệp chuyển đổi số đạt doanh thu 135 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng 10% đang cho thấy sự sẵn sàng của các nền tảng công nghệ và các nhà cung cấp trên thị trường. Đặc biệt phải kể đến các giải pháp và hỗ trợ của chính phủ đối với các doanh nghiệp trong việc ứng dụng CNTT.
Tuy nhiên, quá trình chuyển số đối của doanh nghiệp cũng đang đứng trước nhiều thách thức như khả năng tiếp cận các thông tin, tài liệu, chuyên gia hỗ trợ; khả năng kết nối giữa các giải pháp trên thị trường; khả năng tiếp cận các nguồn vốn cho doanh nghiệp trong chuyển đổi số.
"Môi trường kinh tế số ở Việt Nam còn khiêm tốn. Ngoài chỉ tiêu số mật độ thuê bao internet băng rộng, các chi tiêu khác như thanh toán điện tử, tỉ lệ giao dịch kỹ thuật số tại Việt Nam còn thấp. Ngoài ra, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, nhiều quy định liên quan đến chuyển đổi số đang được xây dựng, hình thành như tiêu chuẩn công nghệ, giao dịch thương mại điện tử, chứng thực sô, thuế, hải quan…", bà Thủy nhấn mạnh.
Bà Bùi Thu Thủy cũng cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang phải đối diện với nhiều hạn chế trong quá trình chuyển đối số như năng lực quản trị nội bộ chưa cao, cơ cấu tổ chức chưa hoàn thiện, tổ chức, quy trình chưa được chuẩn hóa; năng lực quản trị và phân tích dữ liệu còn thiếu; năng lực và nhận thức liên quan đến rủi ro và an ninh mạng, thiếu nhân sự có năng lực về CNTT để hỗ trợ chuyển đổi; hệ thống CNTT và khả năng tích hợp công nghệ mới còn hạn chế; thiếu thông tin về thị trường giải pháp, đặc biệt là các giải pháp CNTT và số cho quản trị; năng lực tài chính cho đầu tư vào chuyển đổi số, đặc biệt là phần quản trị.
Qua nhiều khảo sát, các doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ mong muốn được hỗ trợ về nâng cao năng lực trong chuyển đổi số để tiếp cận thị trường như tiếp thị, kênh phân phối, bán hàng, nâng cao trải nghiệm khách hàng và thanh toán điện tử.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần được tạo cầu nối với thị trường cung cấp giải pháp chuyển đổi số phù hợp; kết nối doanh nghiệp, nhà cung cấp và ngân hàng, quỹ, nhà đầu tư để có giải pháp tài chính cho các dự án chuyển đổi số.
Đặc biệt, nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp về môi trường kinh doanh số, thực hiện rà soát và hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan như bảo mật dữ liệu, giao dịch điện tử…
Bà Thủy cũng cho biết, trong định hướng hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2022 - 2023, Chính phủ cũng xác định tập trung vào 4 vấn đề lớn.
Thứ nhất, hỗ trợ tính năng thanh khoản cho doanh nghiệp (giãn, hoãn thời gian nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí các khoản phải nộp, giảm lãi suất cho vay).
Thứ hai, cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp trong những ngành nghề bị tác động mạnh của dịch bệnh Covid-19 và những nhóm ngành trọng tâm ưu tiên phát triển để tạo đà phục hồi cho kinh tế.
Thứ ba, hỗ trợ tái cấu trúc lao động; hỗ trợ thu hút, đào tạo lại lao động cho doanh nghiệp; tái cấu trúc doanh nghiệp và tài chính doanh nghiệp; quản trị rủi ro.
Thứ tư, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ.
3 gói hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số năm 2022
Bà Bùi Thu Thủy cho biết, riêng về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, từ ngày 7/1/2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phê duyệt chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp Chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025.
Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.
Cụ thể, trong năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ triển khai 3 gói hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
Gói bắt đầu chuyển đổi số (Start Digital) dành cho doanh nghiệp quy mô nhỏ, mới bắt đầu chuyển đổi số nhằm hỗ trợ doanh nghiệp lựa chọn các giải pháp chuyển đổi số đơn giản và phù hợp nhất để bắt đầu thực hiện quá trình chuyển đổi số. Các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 50% kinh phí, nhưng không quá 20 triệu đồng/năm/doanh nghiệp siêu nhỏ; 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp nhỏ.
Gói tăng tốc chuyển đổi số (Grow Digital) dành cho doanh nghiệp đang tăng trưởng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng tốc phát triển dựa trên việc ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số. Doanh nghiệp nhóm này sẽ được hỗ trợ tối đa 50% kinh phí, nhưng không quá 100 triệu đồng/năm/doanh nghiệp vừa.
Gói chuyển đổi số hướng đến thị trường toàn cầu (Go Digital - Go Global) dành cho các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu thông qua nền tảng số, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp làm chủ quy trình, công nghệ số, phát triển thương hiệu và sản phẩm trên thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tối đa 50% kinh phí khởi tạo, duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.