Chợ nổi là loại hình họp chợ xuất hiện ở những nơi sông nước là tuyến giao thông chính và họp ở nơi giao nhau giữa các nhánh sông. Người bán và người mua phải dùng thuyền hoặc ghe để đi lại, vận chuyển, mua sắm... Mặt hàng được buôn bán thường là các loại hoa quả, nông sản, các món ăn sáng đặc trưng của vùng sông nước và vật dụng trong gia đình...
Tại Việt Nam chợ nổi chỉ xuất hiện ở vùng sông nước miền Tây, tạo nên một nét đặc trưng thú vị góp phần phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long. Dưới đây là 3 khu chợ nổi miền Tây đặc sắc và nổi tiếng bạn nên ghé thăm nếu có cơ hội.
Chợ nổi Cái Răng – Cần Thơ
Nằm cách bến Ninh Kiều chỉ 4 km, mất 30 phút đi tàu, chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ là khu chợ trên sông nổi tiếng nhất cả nước. Chợ họp khá sớm, thường từ lúc tờ mờ sáng, đông nhất là vào khoảng 7- 8h sáng và đến khoảng 8, 9h thì vãn nên muốn khám phá trọn vẹn nơi đây du khách phải sắp xếp thời gian đi từ sớm.
Có thể nói bất kể mặt hàng nào cũng có thể được tìm thấy tại chợ Cái Răng, nhưng nhiều nhất phải kể tới các loại trái cây đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long như bưởi năm roi Vĩnh Long, quýt hồng Lai Vung, sầu riêng Cái Mơn...Mỗi ghe thường chỉ bán một loại trái cây hay mặt hàng và nó sẽ được treo lơ lửng trên một cây sào cao gọi là cây bẹo như là một cách quảng cáo để người mua dễ dàng tìm kiếm. Đặc biệt ngoài trái cây, nông sản du khách còn được tha hồ thưởng thức các món phở, món nhậu, hủ tiếu, cà phê ngay trên thuyền.
Nếu muốn tham quan chợ du khách có thể thuê thuyền máy (thuyền dịch vụ) với giá khoảng 20.000 VNĐ/người, nếu có nhu cầu đi ngang cầu Cần Thơ để ngắm cầu (từ dưới sông) vào đúng lúc mặt trời mọc sẽ phụ thu thêm 10.000 VNĐ/người. Lưu ý chợ không hoạt động và hoạt động rất ít vào các ngày Tết âm lịch (mồng 1 và mồng 2 Tết, Tết Đoan Ngọ-mồng 5 tháng 5 Âm lịch).
Năm 2016, chợ nổi Cái Răng vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nơi đây là điểm đến không thể bỏ qua cho những ai yêu thích du lịch khám phá, muốn tìm hiểu về văn hóa miền sông nước Nam Bộ.
Chợ nổi Ngã Năm – Sóc Trăng
Giống như tên gọi, chợ nằm ở vị trí giao nhau của năm con sông: Cà Mau, Vĩnh Quới, Long Mỹ, Thạnh Trị và Phụng Hiệp. Đây là khu chợ nổi khá lâu đời và cũng nhộn nhịp nhất đồng bằng sông Cửu Long.
Chợ Ngã Năm thường họp từ khá sớm, từ 4h sáng, đông đúc nhất thường từ 6h đến 7h với cảnh hàng trăm ghe thuyền tụ họp, huyên náo cả bến sông nhưng 8h phiên chợ bắt đầu tan.
Mặt hàng buôn bán tại Chợ nổi Ngã Năm vô cùng đa dạng từ các loại gạo nổi tiếng của vựa lúa miền Tây, các loại rau củ quả tươi ngon của miệt vườn Nam Bộ đến tôm, cua, cá sản vật đặc trưng của vùng sông nước. Từ xa xa du khách đã có thể dễ dàng nhìn thấy những cây bẹo treo lủng lẳng đủ loại nông sản như cải bắp, khoai tây, cà chua, hành, tỏi, ớt…
Chợ càng thêm đông vui với lời mời gọi nhiệt tình, niềm nở của những chủ hàng quán bồng bềnh di động như cháo, hủ tiếu, bún cá, cà phê… phục vụ mọi nhu cầu ăn uống của khách tham quan.
Sức hút của chợ nổi Ngã Năm còn ở chỗ nơi đây vẫn mang nét nông thôn bình dị, giữ được cái hồn đặc trưng của chợ nổi miền Tây trong những chiếc áo bà ba, những điệu hát ca cổ miền Tây ngọt ngào và những câu nói thân thương đậm chất Nam Bộ.
Chợ nổi Cái Bè -Tiền Giang
Một khu chợ nổi khác mà du khách khi tới miền Tây không thể bỏ qua chính là chợ nổi Cái Bè của tỉnh Tiền Giang. Nằm tại vị trí giáp ranh giữa ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre; khu chợ được coi là trạm trung chuyển nông sản đi khắp miền Tây. Nếu muốn mua quà du khách có thể tha hồ chọn các đặc sản như nhãn Thạch Kiệt, ổi xá lị,… đặc biệt là xà bông dừa và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ dừa.
Điểm đặc trưng nhất của chợ Cái Bè là họp từ sáng sớm đến tận tối khuya, du khách không cần lo lắng về thời gian tham quan. Ghe, thuyền tập trung về đây từ khoảng 3 - 4h sáng, nhộn nhịp nhất khoảng 5 - 6h sáng. Khoảng 4h chiều khi nắng bớt gay gắt, thời tiết dễ chịu là thời gian thích hợp để dạo chơi, ngồi thuyền khám phá mọi ngóc ngách của khu chợ. Tới 20h chợ bắt đầu tan.
Để tham quan khu chợ, khách du lịch có thể chọn thuê thuyền với giá khoảng 500.000 –800.000 đồng cho 10 – 15 chỗ ngồi, hoặc thuê xuồng ba lá với mức giá từ 150.000 – 200.000 đồng cho 3 – 5 người ngồi.
Minh Hoa (t/h)