Nước đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cơ thể người vì nước chiếm đến 70 – 80% trọng lượng cơ thể. Một người trưởng thành có thể nhịn ăn trong vòng vài ngày, thậm chí vài tuần nhưng không thể không uống nước trong 3 – 4 ngày. Nước có vai trò trong cơ thể như sau:
- Nước có khả năng cung cấp nguồn chất khoáng, vận chuyển chất dinh dưỡng cần thiết cho các tế bào, nuôi dưỡng tế bào trong mọi hoạt động trong cơ thể. Nước sạch mà hàng ngày chúng ta thường sử dụng có chứa rất nhiều các chất khoáng có lợi cho sức khỏe.
– Nước được coi là dung môi sống của các phản ứng hóa học trong cơ thể, tham gia quá trình chuyển hóa và các phản ứng trao đối chất nhằm xây dựng và duy trì tế bào. Các tế bào có thể hoạt động và thực hiện các chức năng của mình là do được hòa tan trong dung môi.
– Nước có khả năng đào thải các độc tố, các chất cặn bã mà các cơ quan, tế bào không thể hấp thu và được đưa ra ngoài thông qua đường nước tiểu và phân
– Nước còn có khả năng ổn định nhiệt độ cơ thể, phân phối hơi nóng của cơ thể. Nước làm cơ thể giải phóng nhiệt độ khi nhiệt độ môi trường cao hơn so với nhiệt độ cơ thể.
– Ngoài ra nước còn có tác dụng bôi trơn nơi tiếp xúc với các đầu nối, bao hoạt dịch và màng bao, làm cho các khớp linh động. Nó còn có tác dụng giảm xóc cho mắt, tủy sống kể cả thai nhi trong nước ối.
Vì vậy, điều quan trọng là phải uống đủ nước, nhất là khi làm việc hoặc tập thể dục nặng. Tuy nhiên các chuyên gia đưa ra lời khuyên: “Hãy uống nước một cách khôn ngoan!”. Điều này có nghĩa là cần phải biết uống nước đúng cách, đặc biệt cần tránh những cách uống nước có thể gây hại cho thận sau đây:
Uống không đủ nước
Nhiều người lười uống nước và chỉ đợi tới khi có cảm giác khát thì mới uống. Việc này khiến cơ thể không nạp đủ nước, các hoạt động chuyển hóa chất bị ảnh hưởng, chất thải không được đào thải ra bên ngoài một cách tốt nhất từ đó làm tổn hại đến các cơ quan nội tạng.
Ngoài ra, thiếu nước, đặc biệt là thiếu nước thường xuyên, dẫn đến việc sản xuất nước tiểu có nồng độ khoáng chất và chất thải cao hơn. Điều này có thể dẫn đến sự hình thành sỏi thận và gây ra bệnh thận có thể ảnh hưởng đến chức năng thận.
Cách để nhận biết cơ thể có uống đủ nước hay không là nhìn màu sắc của nước tiểu. Nếu nước tiểu có màu vàng nhạt là uống đủ nước, nếu có màu vàng đậm có nghĩa là cần uống thêm nước.
Uống quá nhiều nước
Uống ít nước không tốt cho sức khỏe nhưng uống quá nhiều cũng không tốt. Khi uống quá nhiều nước, thận phải làm việc nhiều hơn, lâu dài làm ảnh hưởng tới chức năng thận.
Uống nước ngọt thay nước lọc
Nhiều người thích uống nước ngọt khi khát nhưng đây là một thói quen sai lầm. Nghiên cứu cho thấy ngay cả với nước ngọt dành cho người ăn kiêng, nếu uống từ 2 ly trở lên một ngày cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận.
Trong nghiên cứu, những phụ nữ uống nước ngọt dành cho người ăn kiêng sẽ có thận hoạt động kém hơn 30%. Đồ uống có đường bao gồm nước trái cây và soda cũng làm tăng tỷ lệ mắc bệnh thận.
Cách uống nước tốt cho sức khỏe:
Một người trưởng thành khỏe mạnh sẽ thải ra khoảng 2,5 lít nước mỗi ngày thông qua việc đi tiểu, thở, đại tiện và bốc hơi qua da. Do đó, chuyên gia khuyến nghị, ngoài việc nạp 1 lít nước từ các loại thực phẩm, bạn nên uống thêm khoảng 1,7 lít nước mỗi ngày.
Bạn nên uống từng ngụm nước nhỏ, uống từ từ, mỗi lần khoảng 200ml.
Nên uống nước ấm bởi loại này không gây kích ứng, giúp cơ thể dễ dàng hấp thu hơn so với nước lạnh. Một cốc nước ấm buổi sáng giúp giảm sưng đau cổ họng, nhu động ruột tốt hơn, lợi cho tiêu hóa, cải thiện lưu thông máu và đào thải chất độc ra khỏi cơ thể.
Minh Hoa (t/h)