3 lần đi cướp để được thầy dạy võ

3 lần đi cướp để được thầy dạy võ

Thứ 5, 27/12/2012 23:42

Võ Lâm phái là một võ phái rất phổ biến ở Thất Sơn trước ngày giải phóng miền Nam. Người có công lập ra Võ Lâm phái vang danh một thưở chính là võ sư Ba Tài với những kỳ tích đi vào huyền thoại giữa bạt ngàn rừng xanh.

Huyền thoại phái Võ Lâm

Chúng tôi tìm tới Cao Đài Tự theo đường mòn lên núi Cấm (ấp Rau Tần, xã An Hảo, huyện tịnh Biên, tỉnh An Giang), nơi đây chính là gốc rễ của phái Võ Lâm lừng danh một thuở. Những người hậu duệ sáng lập ra Cao Đài Tự và Võ Lâm phái còn khá đông nhưng số người biết võ thuật thì chỉ còn ông Nguyễn Văn Bá (tự Chín Bá, hiện là cố vấn Cao Đài Tự) sống ở cạnh suối Thanh Long (dưới chân núi Cấm).

Pháp luật - 3 lần đi cướp để được thầy dạy võ

Hai người cháu nội võ sĩ Ba Tài đang kể chuyện với PV.

Nhưng khi chúng tôi tìm tới ông thì gia đình cho biết ông đi vắng, một hai ngày nữa mới về. Chúng tôi được ông Tám Thảo (49 tuổi) và Ba Danh (51 tuổi, cả hai người đều là cháu ruột gọi ông Chín Bá là chú) tiếp chuyện, nhờ đó những bí mật của Võ Lâm phái mới được hé lộ.

Tại đây, chúng tôi được biết hai người thiết lập ra Cao Đài Tự và Võ Lâm phái là hai võ sư quê ở xứ Cà Mau tên là Ba Tài và Năm Tảo. Cả hai đều là những người mãi võ ven đường sống qua ngày. Trong đó, số phận và tài năng của ông Ba Tài có phần nổi trội hơn. Ông Ba Tài chính là người sáng lập nên Võ Lâm phái để các cao thủ, các đạo sĩ lẫy lừng trong vùng Thất Sơn tới đây tập luyện, học hỏi và thi đấu võ thuật với nhau. Và ông trở thành một huyền thoại lẫy lừng khu núi rừng Thiên Cấm Sơn. Các chiêu thức của Võ Lâm phái được sáng tạo ra từ nguồn các đòn thế đánh nhau của muông thú.

Ông Tám Thảo cho biết: "Ông Ba Tài chính là ông nội tôi. Thời xưa, cũng không biết võ thuật của ông nội học từ đâu, nhưng khi còn sống, bà nội tôi có kể rằng: Ngày xưa ông nội tôi học các đường quyền cước của nhiều vị võ sư ở Việt Nam, sau khi học hết võ của họ ông qua đất Nam Vang (Campuchia) học tiếp ba năm của một vị đạo sĩ trên núi Tà Lơn với mục đích bài trừ nạn cướp giật đang hoành hành. Môn ông học của vị đạo sĩ ấy là roi và thương. Trước khi nhận làm thầy, vị đạo sĩ trên núi Tà Lơn (Campuchia) ra giá mỗi đường roi ông dạy là 3 cắc (tiền hồi xưa). So với thời điểm lúc bấy giờ thì 3 cắc là cả một tài sản lớn, bán hết ruộng vườn nhà ông nội tôi đi cũng chưa được 3 cắc nữa. Song, vì quá đam mê đường roi và thương của vị đạo sĩ này nên ông tôi về nói với vợ con là ráng làm ăn và dành dụm tiền, chờ tôi học xong sẽ về xin bà 3 cắc để trả cho ông thầy. Biết không thể ngăn cản ý chí của chồng nên bà tôi đành chấp nhận".

3 lần đi cướp để được thầy dạy võ

Sau khi học xong các đường roi, đường thương của vị đạo sĩ trên núi Tà Lơn, ông Ba Tài vì quá ham muốn học võ nên ông phải chấp nhận đi cướp của nhà giàu 3 lần theo thử thách của đạo sĩ, nếu thành công thì sẽ nhận làm đệ tử.

Ông Tám Thảo cho hay: "Theo ông tôi kể lại, mỗi lần muốn cướp thì người đi cướp phải bày thế trận thật nhằm thông báo cho người chủ chuẩn bị trước của cải". Truyền thống ở đất Nam Vang bao đời nay là vậy, trước khi cướp, kẻ cướp thường nhằm vào những nhà giàu, phú nông hay điền chủ và phải viết bảng hẹn đại loại như: "Tối nay vào lúc 12h đêm, tao sẽ đến cướp của cải nhà ngươi, vui lòng chuẩn bị sẵn". Người đi cướp phải làm như thế để buộc lòng bọn nhà giàu, địa chủ, phú hộ phải đi thuê những băng nhóm máu mặt, những lò võ danh tiếng về canh giữ, bảo vệ của cải, vật chất của mình thì giá trị vụ cướp được mới cao.

Ông Tám Thảo kể lại vụ cướp lần thứ nhất, sau 8 tháng theo học vị đạo sĩ trên núi Tà Lơn, Ba Tài được thầy lệnh cho xuống đồng bằng đăng bảng cướp tại nhà một phú nông ở Nam Vang. Bảng đăng khiến gia đình này hốt hoảng, cuống cuồng thuê một lúc hai lò võ ở địa phương về bảo vệ gia tài. Đúng giờ hẹn, Ba Tài xuất hiện với một chiếc roi, ông vừa tới cửa thì ngay lập tức bị gần 70 người thân hình vạm vỡ trên tay ai nấy đều cầm dao, nghéo bao vây. Chúng ồ ạt xông lên khiến Ba Tài dùng roi quất không ngưng nghỉ. Ông đấm đá túi bụi một hồi rồi vùng chạy ra ngoài. Vừa đánh giải vây để thoát thân xong thì người thầy xuất hiện trước mặt ông mà nói: "Con đánh một mình với 70 người như vậy mà thoát thân ra tới đây là tạm được rồi, coi như thành công bước đầu. Thôi, thầy trò mình về, con phải cố gắng tập luyện hơn".

Một năm sau đó, vị đạo sĩ lựa chọn những bá hộ cao cấp hơn để thử sức học trò. Vì theo ông, bá hộ nào càng giàu có thì lại càng phải ra sức thuê người về bảo vệ. Cũng vì họ giàu có hơn nên sẽ thuê những lò võ cao cấp với những võ sư, võ sĩ danh tiếng nhất vùng Nam Vang.

Cũng như lần trước, Ba Tài một mình với cây roi trên tay xông vào nhà bá hộ với mục đích đánh cướp. Ai dè, lần này nhà bá hộ kia thuê hơn một trăm võ sĩ về bảo vệ, người nào người nấy mặt hung dữ như Trương Phi (một nhân vật trong Tam quốc diễn nghĩa). Sau một hồi quyết chiến cam go, Ba Tài một lần nữa thoát thân khi hạ gần hết số võ sĩ bảo vệ. Lúc đi thì ông chỉ có một mình, nhưng cứ hễ ông giải vây xong là y như rằng người thầy lại xuất hiện trước mặt để vỗ vai, nhận xét: "Lần thứ hai, kể ra con cũng có tài đấy chứ, mới học chưa đầy hai năm mà đã quật ngã cả trăm tên rồi, về nhà tiếp tục luyện tập thêm".

Sau ba năm miệt mài tập luyện võ nghệ, Ba Tài lại được lệnh hạ sơn đi cướp lần thứ ba. Đúng 12h đêm theo như lời hẹn trên bảng đăng trước đó, Ba Tài xuất hiện tại cổng nhà một phú nông giàu có nhất Nam Vang, bên trong sân, những võ sĩ bảo vệ cho gia chủ đốt đuốc đồng loạt sáng như ban ngày. Họ hò reo, thách thức người đăng bảng vào cướp để triệt hạ.

Cũng như mọi lần, Ba Tài xuất hiện một mình với chiếc roi quen thuộc, ông xông thẳng vào đám đông múa những đường roi uyển chuyển, uy lực như rồng phượng, hạ gục từng võ sĩ chỉ trong một đòn. Sau một hồi đánh cướp, chiếc roi của ông bỗng dưng gãy giữa chừng, ông buộc phải chiến đấu bằng quyền cước và những chiếc nghéo, thanh dao sắc nhoáng nhặt được của những người bảo vệ.

Cuối cùng, ông phải phá vòng vây, bay qua tường tẩu thoát vì số lượng võ sĩ mà gia chủ thuê về quá đông. Vừa nhảy lên tường, người thầy của ông lại xuất hiện ngay trước mặt: "Con quay lại nhìn trận địa mà xem, những kẻ bảo vệ đều là võ sĩ, võ sư đến từ các võ đường nổi tiếng của vùng này đã bị con hạ gần hết. Vậy là thành công rồi, sớm mai con có thể về nhà".

Dụng kế để thử tài năng

Sau khi được thầy cho về nhà, Ba Tài mang 3 cắc quay trở lại núi Tà Lơn để trả công thầy như giao ước, song người thầy nhất quyết không nhận. Vị đạo sĩ nói: "Đó là kế thử lòng đệ tử mà thôi. Thực ra, nói là bắt con đi đánh cướp như vậy cũng chỉ để ta biết khả năng của con ra sao mà dạy dỗ, cũng cho con có dịp để cọ xát công phu mà thôi. Nếu không bảo con đánh cướp thì lấy đâu ra nhiều võ sĩ tập trung cùng một lúc cho con thực tế cận chiến. Đi cướp mà có cướp được đồng nào đâu, ngược lại bị chúng đánh, lúc đó con mới trỗi dậy bản năng để tìm cách thoát thân, nếu không giỏi thì bỏ mạng nơi sa trường còn gì".

Đăng Văn - Nguyên Việt


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.