Đó là bà Lê Thị Dứa cùng hai người con là anh Lê Văn Kiếm và chị Lê Thị Mùi. Tôi gặp họ vào đêm cuối cùng của năm 2015. Giữa cái giá lạnh của đêm đông, 3 mẹ con bà Dứa ngồi run rẩy bởi lạnh, ăn những miếng bánh mới xin được từ người đi đường. Những chiếc bánh này cũng chính là bữa tối của họ.
Qua trò chuyện được biết, quê gốc của họ ở ngoài huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình). Bà Dứa là người vô gia cư, không có nhà cửa. Bà không còn nhớ tại sao mình lại trở thành như vậy. Chỉ biết rằng, những ngày tháng lang thang, tài sản quý giá nhất của bà là hai người con, chị Mùi và anh Kiếm bây giờ.
Ba mẹ con bà Dứa đang chia nhau những miếng bánh cho bữa ăn tối.
Ba mẹ con cứ nay đây mai đó hành khất, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường. Bà Dứa cho hay, bà cùng hai con đến Huế mới được ba tháng nay. Hành trang của họ chỉ là đống quần áo cũ kỹ, chiếc chăn chiên mỏng tang, một manh chiếu rách và đôi ba chiếc nồi nhôm méo mó.
Dáng người bà Dứa thấp, lưng đã còng, khuôn mặt đầy nếp nhăn khắc khổ. Bà không nhớ nổi tuổi của mình.
Bà Dứa không nhớ nổi tuổi của mình.
Người con gái của bà, chị Lê Thị Mùi, mới đầu gặp chị, tôi cứ nghĩ chị là đàn ông. Bởi kiểu tóc cắt ngắn và khuôn mặt toát lên vẻ cương nghị, trầm tư. Chị Mùi tầm khoảng 45 tuổi, tôi đoán vậy, bởi chị chỉ nhớ mình tuổi con dê. Chị bảo, vào Huế để tìm người bà con tên Châu ở bên chợ Tây Lộc, vào hơn 3 tháng rồi mà vẫn tìm chưa ra.
Anh Lê Văn Kiếm, người đàn ông duy nhất, con trai út của bà Dứa. Thân hình anh gầy gò, anh có sở thích bắt tay người đối diện. Nói chuyện với tôi, anh bắt tay 4-5 lần. Anh hay cười, ít nói và chỉ gật đầu theo những gì chị gái trả lời.
<