Cháo bí ngô
Bí ngô (bí đỏ) có tính ấm, giúp kiện tỳ vị, tiêu đờm, giảm đau, sát trùng, giải độc, đồng thời rất giàu vitamin, khoáng chất và các axit hữu cơ tốt cho cơ thể. Cháo bí ngô khi kết hợp với táo đỏ không chỉ thơm ngon bổ dưỡng mà còn là phương thuốc trị ho hiệu nghiệm, nhất là ho có đờm ở người mắc Covid-19.
Cách chế biến: Bí ngô cắt thành miếng nhỏ, cho vào nồi nấu cùng 500g táo đỏ, 200g đường đỏ cùng với nước vừa đủ. Nấu đến khi bí ngô chín nhừ thành cháo. Ăn khi cháo còn nóng.
Cháo đậu xanh
Cháo đậu xanh là món ăn bổ dưỡng, dễ tiêu, giàu dưỡng chất giúp tăng cường kháng thể rất thích hợp với người đang sốt cao hoặc hết sốt còn mệt mỏi, đề kháng kém. Trẻ em, người lớn ăn kém, người bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp dùng đều tốt.
Theo Đông y, đậu xanh có vị ngọt mát, tác dụng bổ tỳ, thanh nhiệt, giảm khát... Với hàm lượng kali và vitamin C dồi dào trong đậu xanh sẽ giúp thanh nhiệt, giải nhiệt, dịu nhẹ thanh quản, tránh bị khàn tiếng.
Cách chế biến: Có rất nhiều công thức nấu cháo đậu xanh như kết hợp với thịt lợn, thịt gà, thịt bò, hạt sen… nhưng nếu thích hương vị thơm bùi, ngọt thanh thì nấu cháo đậu xanh nguyên chất là lựa chọn tốt nhất khi đang là F0 điều trị tại nhà.
Cháo đậu đen
Cháo đậu đen rất thích hợp duy trì phục hồi sức khỏe cho người mắc Covid-19 giai đoạn phục hồi tuy đã hết sốt nhưng còn mệt mỏi, ăn uống kém, nóng bứt rứt khó ngủ, mẩn ngứa mụn nhọt.
Bên cạnh đó, người cao tuổi có bệnh nền, người bệnh đái tháo đường, tim mạch đều dùng được cháo đậu đen. Tuy nhiên, những người đang bị đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy thì giảm liều đậu đen, hoặc sao chín thơm trước khi dùng.
Trong 100g đậu đen có 24,2% protit, 1,7% chất béo, 53,3% gluxit, muối khoáng 56mg%; canxi 354mg%, 6,1% sắt; 0,06 caroten, 0,51% vitamin B, 3% vitamin C. Hàm lượng axit amin thiết yếu trong đậu đen cũng khá cao.
Cách chế biến: Đậu đen, gạo vo sạch rồi ngâm, vớt ra để ráo nước. Cho đậu đen vào nồi cùng khoảng 700ml nước đun to lửa, khi sôi thì bớt lửa cho đậu chín mềm. Cho thêm gạo ninh nhừ đến khi cháo sánh mịn là được. Thêm đường vừa ăn. Hoặc nếu muốn ăn cháo muối thì nêm gia vị vừa ăn.
F0 tuyệt đối không nên ăn những thực phẩm này để mau chóng khỏi bệnh
Nội tạng động vật: Nhiều người rất thích ăn nội tạng động vật như lòng lợn, tim, gan lợn..., óc lợn nhưng F0 khi đang điều trị bệnh nên hạn chế nhất có thể.
Những thực phẩm này có lượng cholesterol cao, không hề tốt cho sức khỏe. Thậm chí khiến F0 cảm thấy mệt mỏi, khó chịu hơn.
Thực phẩm chế biến sẵn: Những loại thực phẩm có nhiều muối như xúc xích, đồ hộp, đồ khô, dưa cà muối... khiến F0 nạp nhiều muối vào cơ thể. Khi cơ thể đang sẵn yếu mệt, ăn thêm những món không hề tốt cho sức khỏe sẽ khiến bạn lâu khỏi bệnh hơn.
Đồ uống có ga: Những loại đồ uống có gas khiến F0 có thể rơi vào tình trạng đầy bụng, đầy hơi, khó chịu. Chưa kể, dùng nhiều trong thời gian nhất định cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường.
Trúc Chi (t/h theo Sức khỏe & Đời sống, Gia Đình)