Tại hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện công văn 2662/BVHTTDL-MTNATL ngày 8/8/2014 về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho biết: Tính đến tháng 10/2017, 21/30 quận huyện, thị xã của Hà Nội đã tổ chức di dời thêm được 180 linh vật lạ, hiện vật không truyền thống, cụ thể: 104 sư tử đá, 12 nghê đá, 12 tượng Quan Âm bạch y và 67 hiện vật không truyền thống".
Ông Trương Minh Tiến nhấn mạnh, việc kiên trì vận động di chuyển “hiện vật lạ” tại Hà Nội đã có kết quả tốt như: Vận động di dời đôi sư tử đá tại đền Bia Bà (Hà Đông), đền Và (Sơn Tây), chùa Hà (Cầu Giấy), Miếu Đầm (Bắc Từ Liêm), chùa Vẽ (Bắc Từ Liêm), Chùa Tảo Khê (Ứng Hòa), Bích Câu Đạo Quán (Đống Đa)… Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội đã không phát sinh thêm trường hợp di tích nào đưa linh vật cũng như đồ thờ không đúng với truyền thống của người Việt vào di tích.
Ông Tiến cho biết thêm, cùng với quá trình di dời, Hà Nội đã phối hợp nhóm Đình làng Việt tổ chức triển lãm chuyên đề Linh vật Việt tại bảo tàng Hà Nội. Ở đó, hơn 200 hình ảnh linh vật gồm: Rồng, phượng, nghê, lân, sư tử, hổ, ngựa, voi, hạc, chó, rùa, cá... được nghiên cứu, sưu tầm tại các di tích. Bên cạnh đó, Sở VHTT Hà Nội tổ chức cuộc thi chế tác nghê Việt.
Nhóm nghiên cứu của Ts. Trần Hậu Yên Thế cho ra đời cuốn sách Phác họa Nghê - gã linh vật bên rìa (Nhìn từ đền vua Đinh, vua Lê). Công trình 332 trang này có hình ảnh tư liệu, bản vẽ kèm chú giải để có thể phân biệt và phục dựng nghê của nhiều thời đại, vùng miền.
Chuyên gia này cho biết, tuy đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về linh vật ngoại lai và linh vật Việt, nhưng hiện nay vẫn gặp phải khó khăn trong quá trình đưa linh vật Việt vào các di tích.
"Những di tích đã xếp hạng, chúng ta không nên cho bất cứ thêm linh vật nào vào dù ngoại hay nội. Còn với nhiều di tích mới được xây dựng thì bên quản lý di tích lại không đưa linh vật Việt vào. Ví dụ, đình Hồi Quang chưa xây dựng xong. Bên quản lý của đình đã chuyển đến đôi sư tử đá", Ts. Trần Hậu Yên Thế nói.
Anh chia sẻ thêm: "Hiện nay, lượng nghê tồn tại ở di tích rất nhiều nhưng sống được trong đời sống đương đại thì không nhiều.
Ngày nay, ta hoàn toàn có thể đưa nghê hòa nhập đời sống, qua những sản phẩm như NTK La Sen Vũ làm những mẫu áo dài có trang trí nghê, nhà điều khắc Liên Vũ làm những mẫu linh vật phong thủy. Tôi ủng hộ hướng của các nhà thiết kế đã truyền tải những giá trị, tinh thần cổ truyền vào đời sống đương đại.
Chẳng gì không thể làm được, chỉ cần động não một chút. Cái chết của làng nghề là thiếu người nghĩ. Các cụ nói rồi, một người lo bằng cả kho người làm”- TS Trần Hậu Yên Thế trăn trở.