Đi xin đồ cưới
Xã Phong Phú được mệnh danh là cái nôi của văn hóa của người Mường cổ. Tại đây vẫn còn giữa được những nét đặc trưng, độc đáo về lễ cưới cổ truyền của người dân tộc Mường Bi.
Bà Hà Thị Tiến, 63 tuổi, ở xóm Lồ là người nắm rõ về lễ cưới truyền thống của người Mường Bi, cho biết: "Lễ cưới xin của dân tộc Mường Bi phải thực hiện đủ các nghi thức: Chọn mờ (chọn mối), kháo tiếng (dạm ngõ), ti nòm (ăn hỏi), ti cháu, ti du (nhận rể, đón dâu), ti mộng (lại mặt).
"Cơm ngon vì miếng, tiếng tốt vì mờ" đã trở thành thành ngữ của người Mường nói về tầm quan trọng của bà mối. Họ chọn người mai mối rất kỹ lưỡng "Hèn yếu chớ đi đào dúi. Ngắn tiếng, ngắn miệng chớ đi làm mối". Xưa kia, nếu đôi trai gái người Mường lấy nhau mà sống không hạnh phúc thì người trong gia đình có thể gọi người đứng ra mai mối đến để phê phán và trách móc. Khi hai người có tình cảm với nhau và tính đến "kết tóc se duyên", họ sẽ nhờ người mai mối đến nhà gái ướm hỏi. Đồ lễ mang theo là một con lợn khoảng 20kg, cùng cau, trầu, rượu và gạo. Gia đình nhà gái sẽ không trả lời ngay mà xin đợi vài ngày. Mấy ngày sau, người làm mối sẽ đến nhà gái để thu nhận hối ý.
Uống "hạo cần" ở nhà gái.
Khi nhận được thông điệp từ nhà gái, mối sẽ thay mặt nhà trai đem trầu cau, chè, rượu, bánh sang nhà gái để ngỏ lời. Khi nhà gái đồng ý, hai bên cùng nhau chọn giờ, ngày chính thức làm lễ ăn hỏi. Sau đó, gia đình nhà trai đi khắp các hộ dân trong xóm để xin đồ làm lễ ăn hỏi. Sau khi thông báo về việc con mình sẽ lấy vợ, họ sẽ biếu gia chủ một gói chè, con gà hoặc vài cân gạo, đôi ba chục bạc lẻ... Họ xin đồ lễ không phải vì không đủ sức để tổ chức đám cưới cho con mà hành động đó là thể hiện tình làng, nghĩa xóm của người Mường.
"Phép quân không bằng bầu rượu"
Theo những người cao tuổi ở địa phương kể lại thì người Mường Bi thường tổ chức cưới 2 lần. Lễ cưới lần thứ nhất diễn ra như sau. Khi mặt trời ló rạng, chàng trai cùng mối lái sang nhà gái. Người Mường cho rằng: "Rể sang nhà gái lúc thả trâu, dâu về nhà chồng lúc trời tối" sẽ gặp nhiều may mắn. Nhà trai đem theo cơm nếp đồ, buồng cau, khay trầu, 1 con lợn 20kg, 4 cây mía, 20 chai rượu, 50 cân thịt lợn và 100 cân gạo. Chàng rể mặc trang phục truyền thống, thắt khăn trắng. Hai phù rể gùi cơm nếp và hai con gà thiến đã luộc chín.
Trong ngôi nhà sàn truyền thống của người con gái, các bên nội ngoại hai họ, cùng anh em, bạn bè sẽ quây quần uống "hạo cần" (rượu cần). Nhà gái đem 2 vò rượu cần đặt giữa nhà, thẳng hướng cửa ra vào. Trưởng đoàn sẽ mời những người có vai vế của hai họ ra chào rượu. Tất cả mọi người trong đám sẽ phải đứng dậy, chắp tay trước bụng để đáp lễ. Nghi lễ chấm dứt, mọi người tiếp tục uống rượu. Hai đoàn nhà trai và nhà gái cử ra một trưởng đoàn để điều hành cuộc thi uống rượu. Trưởng đoàn sẽ trực tiếp làm trọng tài cho cuộc thi. Thông thường mỗi bên chọn ra chục người có tửu lượng tốt nhất. Trưởng đoàn rót nửa lít rượu cần vào hai cái gáo. Trong một khoảng thời gian nhất định, nếu các thành viên bên nào thay nhau uống hết gáo rượu thì sẽ giành chiến thắng. Bên thua sẽ phạt mỗi thành viên một gáo rượu. Nếu thành viên nào không uống được thì trưởng đoàn sẽ phải uống.
Khi mặt trời lên đến đỉnh đầu thì cuộc thi mới dừng lại. Nhà gái tiếp tục bê thêm bình rượu đặt ra giữa nhà. Họ lại vui vẻ cùng nhau dùng bữa trưa. Thủ tục chào cơm cũng giống như thủ tục chào rượu. Dùng cơm xong thì mọi người chào nhau ra về. Khi nhà trai bước xuống cầu thang, nhà gái sẽ cho các cô gái dùng bã rượu cần ném vào họ cho có nhiều phúc. Chàng rể và 2 người phù rể ở lại nhà gái trong 3 ngày 3 đêm. Đêm cuối cùng, nhà gái sẽ thịt một con lợn để tiễn chú rể ra về.
3 năm phục dịch nhà gái
Chị Bùi Thị Tiệp, Cán bộ Văn hóa huyện Tân Lạc chia sẻ với phóng viên những tài liệu ghi chép về phong tục của người Mường Bi cổ: "Trong thời kỳ ở rể, vào các ngày lễ tết hàng năm, chàng trai phải biếu bố vợ con lợn, thúng xôi, bánh mật, vài chai rượu và trầu cau. Ngoài ra, chàng trai còn phải tham gia các công việc nặng nhọc, đồng áng của hai bên gia đình.
Sau ba năm ở rể, nếu như chàng trai vượt qua được thử thách, gia đình sẽ nhờ mối đến xin cưới chính thức. Lễ vật thách cưới: Một buồng cau, 1 con trâu đực (hoặc bò) đã biết cày bừa, dăm ba thúng gạo tẻ và vài ba thúng gạo nếp, 2 con lợn nặng khoảng 30kg, 5 thúng xôi, 100 lá trầu không, hơn 20 ống bương rượu trắng (mỗi ống gồm 5 lít). Đồ thách cưới của con gái nhà lang còn nặng nề hơn, khoảng 9 con trâu, một con bò, vài ba con lợn, nồi đồng, vòng bạc, gạo, rượu, trầu cau.
Sau khi nhận được đồ thách cưới của nhà gái, mối sẽ thông báo cho nhà trai chuẩn bị đón dâu. Lễ đón dâu kỵ ngày lẻ và phải tổ chức vào buổi sớm. Trước hôm đón dâu, mối dẫn đoàn nhà trai dắt trâu, bò sang nhà gái. Tiếng cồng chiêng vang lên rộn rã như báo hiệu ngày hạnh phúc đã diễn ra. Đám đưa dâu phải đi theo đường chính, tại các ngã tư phải đặt trầu cau trên các ngả đi theo đường chính. Người đón dâu phải "đi đến nơi về đến chốn", không tự ý bỏ đoàn và rẽ ngang rẽ dọc.
Về tới chân cầu thang nhà chồng, nàng dâu sẽ được cô em chồng rửa chân trước khi bước qua bó củi để lên cầu thang với hy vọng rằng, mong muốn cô dâu mới sẽ chăm chỉ làm ăn. Nàng dâu sẽ phải lạy bếp lửa, lễ tổ tiên và các bậc cha chú của chồng. Đôi vợ chồng trẻ sẽ được người mai mối giúp việc thụ lễ tơ hồng. Xong nghi thức, gia đình nhà trai sẽ tổ chức ăn cỗ để mừng dâu rể mới. Người con gái về nhà chồng cũng phải tuân theo những quy định nhất định. Con dâu sẽ thêu cho ông bà nội ngoại và bố mẹ chồng mỗi người một chiếc khăn, đệm và gối để thể hiện lòng hiếu thảo.
Lễ cưới đã được đơn giản hóa Chị Bùi Thị Tiệp, cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin huyện Tân Lạc cho hay: Hôn lễ của người Mường Bi đã được đơn giản hóa rất nhiều. Lễ vật thách cưới cũng không còn nặng nề như xưa, các lễ nghi cũng bớt rườm rà. Tuy nhiên, những nét đẹp về văn hóa cổ của người Mường Bi vẫn không hề thay đổi. Ví dụ, tục xin đồ làm lễ cưới vẫn được giữ nguyên, người Mường vẫn kiêng tổ chức đám cưới vào tháng riêng và tháng 10 âm lịch, vì họ quan niệm rằng, đây là hai tháng xấu nhất trong năm. |
Hoàng Thế Tào